Cải tạo chợ truyền thống: Cần đẩy nhanh tiến độ
(Chinhphu.vn) - Hiện nay, các chợ truyền thống vẫn bảo đảm cung ứng khoảng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Chính vì vậy, việc cải tạo mạng lưới chợ là yêu cầu của thực tiễn, phù hợp, cần phải được đẩy nhanh tiến độ.
Vẫn còn nhiều bất cập
Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ. Trong năm 2024, Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động 4 chợ gồm: Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), trung tâm thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) và Châu Long (quận Ba Đình). Trong khi đó, các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành cải tạo 19/38 chợ theo phân cấp quản lý.
Ngoài ra, có 7 chợ đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 2 chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình cuối; 3 chợ đang thi công xây dựng; 5 chợ đang giải phóng mặt bằng; 15 chợ đã hoàn thành thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư. Đối với các địa phương, 6 chợ đang thi công; 14 chợ chuẩn bị đầu tư dự kiến hoàn thành trong năm 2025; 9 chợ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến khởi công trong năm 2025…
Thực tế cho thấy, mặc dù UBND TP. Hà Nội đã chú trọng việc nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống, nhưng trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập. Chợ Ngã Tư Sở (quận Ðống Ða) được xây dựng từ năm 1987 với diện tích hơn 8.500m2, được coi là chợ hạng 1, nhưng đã xuống cấp đến mức báo động.
Trong kế hoạch của Thành phố, giai đoạn 2021-2025, chợ Ngã Tư Sở được đưa vào danh mục xây mới, nhưng hiện nay vẫn trong hiện trạng cũ dù theo phân cấp ủy quyền, việc đầu tư chợ đã được giao về cho cấp quận được phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Nguyên nhân bởi trong các văn bản quy định về đầu tư, cấp quận được sử dụng nguồn vốn đầu tư công cho "chợ dân sinh". Tuy nhiên, chợ dân sinh lại được phân loại là chợ hạng 3, cho nên các chợ hạng 1 như chợ Ngã Tư Sở khó tiếp cận vốn ngân sách.
Không chỉ chợ Ngã Tư Sở gặp khó trong quá trình cải tạo, xây mới, mà nhiều dự án xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Nguyên nhân là bởi nhiều địa phương gặp vướng mắc trong tiêu chí về hạ tầng thương mại, nhất là các địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu lên quận...
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho hay, hiện việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Không chỉ chợ Ngã Tư Sở gặp khó trong quá trình cải tạo, xây mới mà nhiều dự án xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì đất đai vẫn là đất công dẫn đến khó giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất của các chợ sau chuyển đổi.
Bên cạnh đó, theo quy định khi xây dựng mới, mật độ xây dựng chỉ được 60%, còn lại là các công trình phụ trợ và hạ tầng cây xanh. Điều này khiến việc bố trí 100% tiểu thương trong chợ trước đây được kinh doanh tại tầng 1 không khả thi, khó có khả năng đạt trên 50% tiểu thương đồng thuận với việc xây dựng mới chợ truyền thống…
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
Để gỡ khó cho hoạt động cải tạo, xây mới hệ thống chợ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh kiến nghị, Bộ Tài Chính có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ… đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương có quy định rõ hơn liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh đối với từng trường hợp được giao hoặc cho thuê điểm kinh doanh, cũng như cách thức xử lý đối với các trường hợp đã ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh và đóng trước tiền thuê điểm kinh danh để xây dựng chợ… TP. Hà Nội quan tâm xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trong lĩnh vực chợ để bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo chợ theo danh mục và tiêu chí tại các Chương trình của Thành ủy đã đề ra.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, phải có chính sách đột phá mới gỡ khó cho hoạt động cải tạo, xây mới hệ thống chợ. Việc quy hoạch, bố trí chợ truyền thống phù hợp với đời sống và cảnh quan đô thị là rất cần thiết, do đó Bộ Tài chính cần xây dựng cơ chế miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với dự án đầu tư xây dựng chợ. Về phía Hà Nội, nên xem xét bố trí vốn đầu tư công để cải tạo, xây dựng chợ theo danh mục và tiêu chí đã đề ra bên cạnh việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, chợ truyền thống vẫn bảo đảm cung ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Để chợ truyền thống thu hút người tiêu dùng thì việc đầu tiên là cải tạo chợ phải có quy hoạch rõ ràng, minh bạch;
Đồng thời đặt ra tiêu chuẩn, tiêu chí về xây dựng chợ văn minh, nhân viên của chợ được đào tạo, tổ chức nguồn hàng và niêm yết giá…
Để đạt chỉ tiêu được giao phấn đấu đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 71 chợ năm 2025, lãnh đạo Sở Công Thương cho rằng, UBND các quận, huyện, thị xã ngay từ bây giờ phải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, thu xếp vốn, khởi công ngay dự án đã hoàn tất thủ tục. Với các dự án trung tâm thương mại, siêu thị…, các địa phương cần báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, tiến độ đầu tư, cân đối bố trí vốn đầu tư…
Bích Phương