Kinh nghiệm bước đầu trong cấp định danh và xác thực điện tử cho công dân

07/08/2022 8:33 AM

(Chinhphu.vn) - Triển khai Đề án 06 của Chính phủ, kinh nghiệm để bảo đảm dữ liệu dân cư theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” của Công an TP. Hà Nội chính là công tác tuyên truyền, triển khai linh hoạt các mô hình điểm tại từng khu vực, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn.

Kinh nghiệm bước đầu trong cấp định danh và xác thực điện tử cho công dân - Ảnh 1.

Công an TP. Hà Nội đang trong đợt cao điểm 30 ngày đêm cấp CCCD gắn chíp cho công dân - Ảnh: VGP

Tuyên truyền đa dạng qua mạng xã hội

Tại thời điểm này, Công an TP. Hà Nội đang trong đợt cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp cho những công dân đủ điều kiện còn lại trên toàn Thành phố. Từ ngày 25/7 đến ngày 25/8, tại trụ sở Công an xã, phường, thị trấn triển khai 3 ca cấp căn cước công dân gắn chíp/ngày, từ 7h đến 22h hằng ngày.

Để tuyên truyền đến người dân, một trong những cách hiệu quả đang được Hà Nội triển khai là thông báo rộng rãi trên hệ thống các trang fanpage Facebook "Tôi yêu phường…" với sự tương tác lớn của hàng triệu người dân trong khu vực các phường, quận.

Như tại fanpage "Tôi yêu phường Ngọc Hà, quận Ba Đình", thông báo lịch cấp CCCD có gắn chip, địa điểm, thời gian, đối tượng cấp được thông báo liên tục để người dân nắm rõ lịch. Các tiện ích khi dùng CCCD gắn chip cũng được tuyên truyền ngay trên fanpage, như thẻ CCCD gắn chip có tích hợp đầy đủ các thông tin, có thể tích hợp được hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như: Giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, sổ BHXH, số hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng… nên người dân chỉ cần mang thẻ CCCD gắn chip thì sẽ thực hiện được các giao dịch trên. Sử dụng CCCD gắn chip giúp người dân rút ngắn quy trình làm việc, tiết kiệm chi phí thực hiện.

Đây là một trong những nội dung TP. Hà Nội triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06).

Hà Nội được Chính phủ chọn là địa phương thí điểm của Đề án 06, UBND TP. Hà Nội giao Công an Thành phố là đơn vị chủ trì triển khai Đề án.

Riêng nhiệm vụ phát triển công dân số, theo Công an TP. Hà Nội, đến giữa tháng 7/2022, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, trong đó đã cấp gần 35.000 CCCD gắn chíp kèm định danh điện tử cho học sinh (sinh năm 2004 và 2007) phục vụ cho việc đăng ký dự thi.

Công an Thành phố tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân; đã rà soát, làm sạch 3 cấp với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5); đã ký xác nhận được hơn 13 triệu mũi tiêm (đạt 74%), đã thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong CSDLQG về dân cư.

Tính đến ngày 30/6/2022, Thành phố đã có gần 4,4 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 447 cơ sở khám chữa bệnh BHYT áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; số lượt sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh là trên 26.000 lượt.

Xây dựng mô hình điểm theo khu vực

Qua 6 tháng triển khai Đề án 06, Công an TP. Hà Nội đã có những kinh nghiệm bước đầu và kết quả bước đầu trong thực hiện nội dung về bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", thực hiện cấp Căn cước công dân, định danh điện tử và việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06 Chính phủ.

Phó Trưởng phòng Phòng PC06 Nguyễn Thành Lâm, Công an TP. Hà Nội nhận định, Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia… là mục tiêu trọng tâm của Đề án 06 của Chính phủ.

Quá trình triển khai, Công an Thành phố xác định cần bảo đảm dữ liệu dân cư theo tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống", đẩy mạnh việc hoàn thành cấp CCCD gắn chíp điện tử, thu nhận hồ sơ cấp xác thực định danh điện tử và triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến là mục tiêu cụ thể phải thực hiện trong năm 2022 của Đề án 06.

Căn cứ chỉ đạo của Bộ Công an và UBND Thành phố, trong thời gian qua Công an Thành phố đã ban hành nhiều Kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các giải pháp để đảm bảo dữ liệu dân cư đúng tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống", đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ công dân gắn chíp điện tử, thu nhận hồ sơ cấp xác thực định danh điện tử và tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc chức năng giải quyết của lực lượng Công an.

Quá trình triển khai trong 7 tháng triển khai đã đạt được một số kết quả cụ thể, toàn Thành phố đã rà soát, làm sạch 3 cấp được 7.965.111/7.998.762 trường hợp đạt 99,57%. Hiện Công an các cấp đang tiếp tục duy trì thường xuyên công tác rà soát, cập nhật thông tin công dân để đảm bảo mục tiêu dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống".

Từ ngày 25/2, Công an Thành phố đã triển khai thu nhận hồ sơ cấp xác thực định danh điện tử theo chỉ đạo của Bộ Công an, tính đến nay toàn Thành phố đã thu nhận trên 2,2 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử.

Công an Thành phố đã cung cấp 4/6 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực CCCD tại Công an cấp tỉnh, cấp huyện và 12 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực cư trú tại Công an cấp xã. Trong đó, 2 dịch vụ công trực tuyến là "Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu dân cử" và "Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân" đang được kiểm tra an ninh an toàn trước khi cung cấp 02 dịch vụ trên. Tính đến nay, Công an Thành phố đã tiếp nhận gần 120.000 hồ sơ đăng ký thuộc lĩnh vực cư trú và trên 1.600 hồ sơ đăng ký trong lĩnh vực Căn cước công dân.

Hiện nay, Công an Thành phố đã chỉ đạo một số Công an quận, huyện và Công an cấp xã phối hợp với các phòng nghiệp vụ, UBND các cấp xây dựng mô hình điểm theo đặc thù khu vực gồm: Chung cư cao tầng, khu đô thị, khu dân cư tại khu vực nông thôn, khu tập trung đông công nhân tại khu công nghiệp, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số để hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn Thành phố.

Theo Phó Trưởng phòng Phòng PC06 Nguyễn Thành Lâm, có được những kết quả nêu trên trong thời gian qua, Công an Thành phố đã xác định được một số kinh nghiệm cụ thể, đó là sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp đã tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa bàn dân cư.

Để người dân hiểu là yếu tố thành công của triển khai Đề án 06

Như tại huyện Thanh Trì, Thượng tá Đào Thanh Bình, Trưởng Công an huyện cho biết, cả 16 đơn vị cấp xã, thị trấn đã thành lập 16 tổ công tác triển khai Đề án 06 với gần 100 thành viên. Để nâng cao nhận thức và hành động của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của triển khai Đề án 06, tại huyện Thanh Trì, cá tổ công tác thường xuyên tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp đến các thôn, tổ dân phố; qua hệ thống Đài phát thanh huyện, xã để người dân phối hợp cùng thực hiện.

Đến nay, Thanh Trì đã thu nhận hồ sơ xác thực định danh điện tử cho trên 75.000 công dân. Chuẩn bị sẵn sàng về con người, kỹ thuật để thực hiện các dịch vụ công thiết yếu trên cơ sở dữ liệu định danh điện tử. Huyện đã xây dựng và triển khai đề án đầu tư nâng cấp trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa nền hành chính huyện Thanh Trì giai đoạn 2022-2026.

Kinh nghiệm trong quá trình triển khai Đề án 06 được Thượng tá Đào Thanh Bình chia sẻ, trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án phải thường xuyên, liên tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Tổ công tác đảm bảo các chỉ tiêu theo Kế hoạch Đề ra. Phân công từng thành viên Ban chỉ đạo huyện phụ trách trực tiếp các xã, thị trấn để hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện.

Công an huyện đã chú trọng công tác điều tra cơ bản nhằm đánh giá thực trạng, nắm bắt được văn hóa, lối sống, đặc điểm dân cư từ đó đưa ra các biện pháp vận động, tuyên truyền cho phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Tổ chức tập huấn, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả và tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữa các tổ công tác trong địa bàn huyện. Trong các Tổ Công tác tại từng thôn, Tổ dân phố cần lựa chọn những người có trình độ, hiểu biết về Công nghệ thông tin để hỗ trợ công dân khi cần thiết.

Huyện đang thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức để bảo đảm mọi tầng lớp nhân dân đều hiểu rõ được tầm quan trọng của Đề án 06.

"Tuyên truyền để người dân hiểu, phối hợp triển khai chính là yếu tố tiên quyết quyết định việc thành công của Đề án 06 của Chính phủ", Thượng tá Đào Thanh Bình chia sẻ.

Gia Huy

Top