Kinh tế trang trại: Hướng đi đúng cho sản xuất nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhiều hộ nông dân huyện Quốc Oai đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả cao, tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế nông thôn.
Kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thành Nam |
Để có một diện mạo phát triển sản xuất nông nghiệp sôi động như hiện nay, ngoài chủ trương chung của thành phố Hà Nội, không thể không nhắc tới sự chủ động của huyện Quốc Oai. Với phương châm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp một cách chủ động và nhạy bén, Huyện ủy Quốc Oai đã chỉ đạo UBND huyện lên phương án dồn điền đổi thửa để tạo quỹ đất lớn, tập trung phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Tính đến nay, toàn huyện đã hoàn thành thẩm định và phê duyệt cho 16 xã vùng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, với tổng diện tích chuyển đổi là hơn 2.700 ha. Huyện đã hình thành được các vùng chăn nuôi, sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Điển hình như vùng chăn nuôi lợn, gà sinh học ở xã Cấn Hữu với diện tích 55,3ha; vùng chăn nuôi thủy sản tập trung ở xã Tuyết Nghĩa với 119ha; gà đồi Đông Yên; dự án lai tạo giống bò thịt BBB, bò sữa tại các xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa, bò thịt trên địa bàn huyện; vùng trồng nhãn chín muộn Đại Thành… Các mô hình chuyển đổi đã cho hiệu quả cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa.
Thay vì chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, trong nhiều năm qua, nhiều gia đình ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai đã chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn theo mô hình trang trại. Hướng phát triển mới bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở đây.
Có dịp được về thăm mô hình trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm, thôn Cấn Thượng, phóng viên được tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi tổng hợp của hộ anh Lâm-Anh là một trong những người tiên phong, mạnh dạn đầu tư khu chăn nuôi tập trung ở xã Cấn Hữu.
Với diện tích 13.000 m2, anh dành gần 4.000 m2 cho vườn cây cảnh, cây ăn quả; gần 7.000 m2 để nuôi cá chép lai, cho thu hoạch 2 lứa/năm; 1.000 m2 xây dựng chuồng trại nuôi 3 vạn con gia cầm chuyên trứng Isa Brawn. Ngoài ra, anh nuôi lợn thương phẩm với gần 300 con, trong đó có gần 100 lợn nái.
Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế gia đình, trang trại còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng. “Nhờ chuyển đổi sang chăn nuôi mà kinh tế gia đình đã khá giả hơn, doanh thu của trang trại đạt trên 10 tỷ đồng/năm”, anh Lâm chia sẻ.
Không riêng gì hộ anh Lâm, hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã Cấn Hữu cũng mạnh dạn hưởng ứng chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi mô hình sản xuất. Dù đã manh nha từ rất lâu nhưng phải đến khi huyện triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh công tác dồn điền đổi thửa, việc chuyển đổi cơ cấu, mô hình sản xuất nông nghiệp mới diễn ra mạnh mẽ. Tính đến nay, toàn xã Cấn Hữu đã có trên 40 mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, phát triển kinh tế trang trại là chủ trương lớn của huyện Quốc Oai nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các vùng tập trung sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, thời gian qua, huyện có nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân để thay đổi phương thức chăn nuôi, trồng trọt từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hướng bền vững.
Các chủ trang trại được hỗ trợ giải quyết khó khăn về đất đai, vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất. Sau dồn thửa đổi ruộng, huyện đã quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng những vùng đất kém hiệu quả sang phát triển theo mô hình kinh tế trang trại.
Nhờ thực hiện quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã tăng giá trị sản xuất nông nghiệp huyện. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản năm 2017 đạt 1.453 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 1,66%/năm. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tập trung tiếp tục phát triển, có 13 hộ chăn nuôi theo quy trình VietGAP.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Ưu tiên phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện gắn với liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích cấy lúa chỉ còn khoảng 4.300ha, trong đó chủ yếu sản xuất lúa chất lượng cao. Ngoài ra, hình thành từ 6-7 khu sản xuất cây ăn quả chuyên canh có diện tích từ 50 ha trở lên...
Thực tế cho thấy, các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn. Đây là hướng đi phù hợp đối với kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, giảm được áp lực lao động việc làm, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống cho người dân.
Thành Nam