Kinh tế tư nhân góp phần vào tăng trưởng kinh tế Hà Nội

03/05/2019 11:04 AM

(Chinhphu.vn) - Đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 256.000 doanh nghiệp, bình quân 34 người dân Thủ đô/doanh nghiệp, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước. Số lượng DNNVV đa số là doanh nghiệp tư nhân chiếm trên 97,2% số doanh nghiệp trên địa bàn, đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 40% GDP cho Thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.

Kinh tế tư nhân góp phần vào tăng trưởng kinh tế thành phố - Ảnh minh họa

Có thể khẳng định, đội ngũ DNNVV, doanh nghiệp tư nhân thành phố Hà Nội đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước.

Kết quả đó là nhờ những cơ chế, chính sách tạo điều kiện của UBND thành phố Hà Nội cũng như các cấp, ngành và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Song để kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn nữa Thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông các điểm nghẽn.

Hiện nay, môi trường kinh doanh đã được cải thiện, nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại luôn năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, khắc phục các khó khăn vươn lên cạnh tranh trên thị trường để đảm bảo kinh doanh ổn định, phát triển.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Việt Nam Trần Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã được cải thiện rất đáng kể.

Đơn cử các cấp, các ngành tổ chức những chương trình, hoạt động như Diễn đàn này để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, từ thực tế bản thân của doanh nghiệp, bà Hằng cho rằng, trên thì “rất nóng”, nhưng đâu đó ở phía dưới vẫn “lạnh”, hay có sự “ưu ái” đã gây khó cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do đó, rất cần “nóng đều” để môi trường cạnh tranh minh bạch lành mạnh.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh, hiện các DNNVV rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật. Điều này khiến cho khối DNNVV chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, nhất là thị trường quốc tế khi Việt Nam đã gia nhập WTO, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương với ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, EU…

Tuy nhiên, nền kinh tế càng phát triển và hội nhập sâu thì ngày càng bộc lộ những điểm yếu và hạn chế của DNNVV. Thực tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp (như năng lực về vốn, quản trị, công nghệ thiết bị, nguồn nhân lực), khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ và gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ (chưa kể đến vấn đề các ngành sản xuất trong nước).

Ngoài ra, còn có những thách thức nội tại khác như thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ. Các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nhập khẩu vẫn bị phụ thuộc nhiều vào một hoặc một vài thị trường.

Thực hiện 3 kế hoạch lớn

Để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, Thành phố Hà Nội đã đề ra 3 kế hoạch.

Theo đó, phải tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Phát triển kinh tế tư nhân cần bền vững về cả mặt số lượng và chất lượng, đặc biệt lầ chú trọng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành mô hình doanh nghiệp hiện đại, gắn kết vào mạng sản xuất toàn cầu và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thành phố luôn phấn đấu đạt được các chỉ tiêu cụ thể; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, Thành phố tiếp tục hoàn thiện, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách trên địa bàn Thành phố, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong đó lưu ý sẽ hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh trong từng chương trình, dự án, chính sách phát triển, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hoàn thiện thể chế liên kết vùng, quy hoạch và phân công, phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ ba, Thành phố tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu là cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và xã hội Thủ đô và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030 là hầu hết các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần, trình độ công nghệ, kỹ thuật hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.

Để kế hoạch này thành công, Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; đổi mới cơ chế, chính sách để vận hành doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị và nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước…

Vĩnh Hoàng (Tổng hợp)

Top