Kỳ vọng của thanh niên Thủ đô về chính quyền địa phương 2 cấp
(Chinhphu.vn) - Trong những ngày vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, lực lượng đoàn viên thanh niên Thủ đô với sức trẻ nhiệt huyết đã tích cực hỗ trợ người dân tại các trung tâm hành chính công của 126 phường, xã.

Đoàn phường Kiến Hưng đã phân công đoàn viên thanh viên ra quân hỗ trợ Điểm tiếp nhận và phục vụ trung tâm hành chính công. Ảnh: VGP
Thanh niên Thủ đô đồng hành cùng chính quyền, Nhân dân
Với tinh thần "Thanh niên phải là lực lượng xung kích, sáng tạo, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới", tổ chức Đoàn và tuổi trẻ cả nước, đặc biệt thanh niên Thủ đô đã và đang tích cực tham gia vào các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước.
Tại Hà Nội, bên cạnh việc hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, các đội hình còn tổ chức lớp tập huấn kỹ năng số cho thanh niên trên địa bàn toàn thành phố.
Hoạt động của các đội hình được chia thành ba nhóm chính: Nhóm thứ nhất hỗ trợ cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ hành chính như chỉnh lý hồ sơ dân cư điện tử; nhập liệu hệ thống; sắp xếp hồ sơ; hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý hành chính công.
Nhóm thứ hai giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến như nộp hồ sơ điện tử; tra cứu kết quả; đăng ký tài khoản định danh điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt...
Nhóm thứ ba tập trung tuyên truyền phổ cập kỹ năng số qua lớp học trực tiếp cùng nhiều hình thức truyền thông sáng tạo như "Bình dân học vụ số", "Tổ công nghệ số cộng đồng".
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã tích cực ra quân hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là trong bối cảnh phường đang triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Với tinh thần xung kích, sáng tạo và khát vọng cống hiến, thanh niên Thủ đô hôm nay không chỉ năng động trong học tập, lao động, tình nguyện mà còn bày tỏ nhiều kỳ vọng đối với chính quyền địa phương ở hai cấp.
Thanh niên Thủ đô một kỳ vọng ở mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ hiện đại hóa và số hóa dịch vụ công, giúp thanh niên thuận tiện hơn khi giải quyết các thủ tục hành chính. Không chỉ vậy, giới trẻ kỳ vọng chính quyền hai cấp tiếp tục hỗ trợ thanh niên phát triển toàn diện, tạo môi trường để rèn luyện, học tập, khởi nghiệp, tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện, bảo vệ môi trường và xây dựng đô thị văn minh.
Theo Phó Chủ tịch UBMTTQ - Bí Thư Đoàn Thanh Niên phường Hà Đông Nguyễn Tiến Phúc chia sẻ: "Là một người trẻ, tôi đặt nhiều niềm tin, niềm kỳ vọng vào việc tổ chức lại bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ hiệu quả và thành công. Tôi tin rằng mô hình này sẽ mang lại những thay đổi tích cực, đặc biệt là trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân, trong đó có thanh niên".
Bí Thư Đoàn Thanh Niên phường Hà Đông Nguyễn Tiến Phúc cho rằng, mô hình hai cấp có thể giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, từ đó tối ưu hóa việc phân bổ và sử dụng nguồn lực công. Điều này sẽ giúp loại bỏ sự chồng chéo chức năng, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà và lãng phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải quyết các vấn đề của người dân.
Khi các cấp trung gian được tinh gọn, chính quyền cơ sở sẽ được trao quyền và trách nhiệm nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các quyết sách sẽ được đưa ra và triển khai nhanh chóng, sát với thực tiễn địa phương hơn, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của người dân.
Với một bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn, tôi kỳ vọng chính quyền sẽ có nhiều không gian hơn để thử nghiệm các mô hình quản lý mới, ứng dụng công nghệ vào điều hành, từ đó phát huy tính năng động và sáng tạo. Điều này đặc biệt quan trọng để thu hút và khuyến khích sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động phát triển địa phương", Bí Thư Đoàn Thanh Niên phường Hà Đông Nguyễn Tiến Phúc bày tỏ.
Góp sức xây dựng nền hành chính vì dân phục vụ
Các đoàn viên, thanh niên mong muốn chính quyền địa phương tập trung vào những giải pháp chính để hỗ trợ thanh niên: Tổ chức các buổi đối thoại định kỳ với thanh niên về việc làm, khởi nghiệp, không gian công cộng, văn hóa... ngay tại địa phương; phát triển các kênh tương tác trực tuyến như nhóm Zalo, Facebook chính thức hoặc nền tảng tiếp nhận ý kiến trên website phường, đảm bảo phản hồi nhanh chóng; thành lập quỹ hoặc kết nối nguồn lực để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thanh niên, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ; Tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng mềm phù hợp với yêu cầu thị trường lao động đô thị; xây dựng các không gian làm việc chung (co-working space) hoặc trung tâm hỗ trợ thanh niên để họ có nơi giao lưu, học hỏi và phát triển ý tưởng

Đoàn phường Hà Đông hỗ trợ tích cực hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ người dân các thủ tục hành chính. Ảnh: VGP
Đồng thời giao các công trình, phần việc thanh niên cụ thể và có ý nghĩa cho Đoàn phường triển khai, từ đó tạo điều kiện để thanh niên đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của địa phương.
Bằng cách này, chúng ta không chỉ lắng nghe mà còn tạo điều kiện để thanh niên phát huy tối đa năng lực, góp phần xây dựng địa phương ngày càng hiện đại và văn minh.
Cùng sự tin tưởng vào mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Phó Chủ tịch MTTQ, Bí thư Đoàn phường Kiến Hưng, TP. Hà Nội Nguyễn Thị Huyền Trang bày tỏ: "Thanh niên hy vọng một bộ máy thật sự " Gần dân, vì dân", cán bộ địa phương sẽ thường xuyên về cơ sở, lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt là người trẻ-giúp xây dựng lòng tin và thúc đẩy giải quyết các vấn đề một cách kịp thời, thiết thực. Thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ, việc rút ngắn vòng hành chính, giải quyết hồ sơ ngay ở cấp xã – giảm thời gian, chi phí cho người dân và đặc biệt có lợi cho các bạn trẻ, người lần đầu làm hồ sơ.
Cán bộ cấp xã phường trẻ trung, năng động, thân thiện, cầu thị, lắng nghe nhiệt tình hỗ trợ người dân đến liên hệ công việc. Thanh niên mong chính quyền tạo thêm không gian để các bạn đoàn viên thanh niên tham gia vào khâu phản biện xã hội, các bạn trẻ được tham gia phản biện sâu có trách nhiệm trong việc giám sát, thực thi chính sách.
Bên cạnh sự kỳ vọng của các thế hệ thanh niên trẻ, ông Dương Hữu Phương, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cam Lâm, phường Sơn Tây đã có những chia sẻ tâm huyết: "Tôi hiện là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cam Lâm, với 18 năm tuổi Đảng. Qua quá trình công tác và gắn bó với cơ sở, tôi luôn tin tưởng sâu sắc vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy chính quyền nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân. Tôi tin rằng bộ máy cán bộ mới sau sáp nhập sẽ hoạt động nhanh gọn, chuyên nghiệp hơn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi chính đáng của bà con nhân dân".
"Chúng tôi kỳ vọng bộ máy chính quyền mới sẽ thực sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, quan tâm sâu sát đến những giá trị văn hóa lịch sử của địa phương, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của vùng đất giàu truyền thống Cam Lâm.", ông Dương Hữu Phương nói.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, thanh niên Thủ đô cũng mong chính quyền địa phương có các chương trình đồng hành, đào tạo kỹ năng số, hỗ trợ tiếp cận công nghệ mới và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của mình, thanh niên Thủ đô sẵn sàng trở thành lực lượng xung kích, đồng thời kỳ vọng chính quyền địa phương sẽ là điểm tựa vững chắc, đồng hành cùng thế hệ trẻ xây dựng một Hà Nội hiện đại, văn minh và đáng sống.
Minh Thư