Kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường bán lẻ

07/02/2023 10:43 AM

(Chinhphu.vn) - Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng lượng bán hàng. Điều này góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ khởi sắc hơn trong năm 2023.

Kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường bán lẻ - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2021. Tại Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 697,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2021.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ gần đây, có 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Tương tự, trong 15.000 nhà bán lẻ trên nền tảng quản lý và bán hàng Sapo, 37,72% có tăng trưởng doanh thu (năm 2021 là 23,88%) và 6,36% có doanh thu tăng trưởng trên 30%.

Thị trường bán lẻ tại Hà Nội đang diễn ra sôi động hơn với nhiều thương hiệu bán lẻ trong những ngành hàng khác nhau đã mở thêm các cửa hàng mới và đón thêm nhiều thương hiệu trong nước mới. Bên cạnh đó, việc bán lẻ trực tuyến cũng đang dần được những mảng bán lẻ bình dân hơn tiếp cận như mảng siêu thị tạp hóa.

Đi cùng với những nền tảng thương mại mới là đa dạng hóa phương thức tương tác với khách hàng. Một số trung tâm thương mại đã thử nghiệm chiến lược tương tác mới chẳng hạn như tạo xu hướng trên mạng xã hội, trình diễn thời trang với trải nghiệm "See now, Buy now" - Mua sắm ngay tại show diễn…

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống phân phối, là những tín hiệu tích cực của thị trường bán lẻ thời gian tới. Chẳng hạn như, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) kỳ vọng từ nay đến năm 2025 triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3-4 dự án tại Hà Nội. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ ra mắt các mô hình bán lẻ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tạo đà phát triển trong tương lai.

Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn cũng thông tin, năm 2022, WinMart đã mở rộng quy mô bằng việc khai trương hàng trăm siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc. Đến nay, hệ thống bán lẻ WinMart có hơn 3.500 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/Win tại 63 tỉnh, thành phố…

Chỉ riêng trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, thị trường bán lẻ đã có sức bật rõ nét. Các doanh nghiệp bán lẻ, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại và chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, quần áo, bánh kẹo, nước giải khát… có tăng nhẹ nhưng không biến động lớn. Do đó, trong tháng 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội ước đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng lượng bán hàng. Chính vì vậy, Hapro đã chủ động nguồn hàng hóa dồi dào. Toàn hệ thống bán lẻ của Tổng công ty bao gồm hệ thống siêu thị, cửa hàng, hệ thống chợ, cửa hàng chuyên doanh kim khí, điện máy, thời trang, hệ thống nhà hàng ăn uống, dịch vụ... đều hoạt động xuyên Tết để phục vụ người dân.

Đặc biệt, hệ thống siêu thị BRGMart, Hapromart, Haprofood đã thu hút lượng lớn khách hàng cả trực tiếp lẫn online trong cả trong và sau Tết. Tổng lượng hàng hóa dự trữ của Hapro ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội.

Nhằm kích cầu sức mua của người tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và sau Tết, Hapro đã phối hợp với Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà… Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp tại điểm bán, hệ thống siêu thị BRGMart, Hapromart, Haprofood còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite… nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ước tính, tổng lượng hàng hóa dự trữ của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn phục vụ thị trường trong và sau Tết Nguyên đán trị giá khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng. Đơn vị cũng triển khai tổ chức các chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu với 37 đơn vị sản xuất kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 13,8 nghìn điểm bán, trong đó có 132 siêu thị, trên 8 nghìn cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 1,3 nghìn sạp hàng tại các chợ...

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan không để đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng hóa, khiến giá cả bị đẩy lên cao. Trong những tháng đầu năm 2023, Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng.

Bích Phương

Top