Làm rõ thêm quy định về tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô

20/11/2023 2:35 PM

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có sự điều chỉnh, bổ sung mới về cơ chế thí điểm về tài chính, ngân sách nhằm tạo thể chế thông thoáng, thuận lợi cho Thủ đô được linh hoạt, chủ động trong việc bố trí, sử dụng ngân sách để phục vụ cho đầu tư phát triển.

Làm rõ thêm quy định về tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô- Ảnh 1.

Cơ chế về tài chính, ngân sách nhằm tạo thể chế thông thoáng, thuận lợi cho Thủ đô - Ảnh: VGP

Cơ chế huy động nguồn vốn vay linh hoạt, chủ động hơn,

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nêu quy định về tài chính và huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển; sử dụng ngân sách các cấp của Thành phố để chi những khoản chi đặc thù, cao hơn hoặc ngoài quy định đã có của Trung ương ở các lĩnh vực như: Văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, an sinh xã hội, khoa học và công nghệ, nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị…; chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Theo TP. Hà Nội, có 2 nội dung quy định đã có sự điều chỉnh, bổ sung mới so với các cơ chế thí điểm về tài chính, ngân sách đang được áp dụng ở Thủ đô.

Thứ nhất là về mức vay nợ và bội chi ngân sách: Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần; chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ liên quan đến khoản vay lại; tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố Hà Nội hằng năm do Quốc hội quyết định.

Quy định này nhằm cho phép Hà Nội được vay nợ không có hạn mức trần, có thể cao hơn so với Luật Ngân sách (60%) và Nghị quyết số 115 của Quốc hội (không quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Nhưng việc kiểm soát mức dư nợ do Quốc hội quyết định và phải nằm trong khả năng trả nợ của Thành phố (do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định mức vay).

Như vậy, quy định này giúp Thành phố có cơ chế huy động nguồn vốn vay linh hoạt, chủ động hơn, tập trung hơn, huy động nguồn lực tài chính đủ lớn để triển khai những nhiệm vụ chiến lược, trọng điểm trong từng thời kỳ.

Thứ hai là về tiền thu từ đất, quy định này xác định: Ngân sách TP. Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn vốn trên cơ sở đề xuất của thành phố Hà Nội.

Hiện nay theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các địa phương đang được giữ lại 100% các khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Tuy nhiên trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật Ngân sách nhà nước sẽ được sửa đổi và quy định tỷ lệ điều tiết, phân chia khoản thu này giữa trung ương và địa phương.

Như vậy, quy định này nhằm ưu đãi, cho phép Thành phố được giữ lại "tối đa" các khoản thu từ đất, trên cơ sở hằng năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể (có thể cao hơn tỷ lệ theo quy định của Luật Ngân sách) nhằm giúp Hà Nội có thêm nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ trọng điểm, cụ thể do Thành phố đề xuất; trong đó có cả việc chi cho di dời, hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở của Trung ương và Thành phố theo quy hoạch.

Cũng theo TP. Hà Nội, có ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và một số cơ quan, đơn vị đề nghị cân nhắc việc quy định "được giữ lại tối đa" là chưa rõ, chưa xác định được khoản giữ lại cho ngân sách Thành phố là bao nhiêu để có căn cứ thực hiện. Quy định này sẽ rất khó có hiệu lực khi Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi quy định về nội dung này. Đồng thời, việc giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cụ thể là cần xem xét lại sự phù hợp về thẩm quyền quyết định liên quan đến phân bổ ngân sách.

Chính vì vậy, đối với quy định này, TP. Hà Nội đã đề nghị Quốc hội xem xét theo hướng: Xác định tỷ lệ điều tiết cụ thể, cao hơn dự kiến của Luật Ngân sách nhằm tạo nguồn lực cho Thành phố; đồng thời, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định về tỷ lệ điều tiết cao hơn cho Thủ đô trong giai đoạn nhất định gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trọng điểm, hoặc nhiệm vụ do Trung ương giao.

Thứ hai là dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng nêu Điều 36 về việc sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô được xây dựng nhằm tạo thể chế thông thoáng, thuận lợi cho Thủ đô được linh hoạt, chủ động trong việc bố trí, sử dụng ngân sách để phục vụ cho đầu tư phát triển; khắc phục những vướng mắc của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công hiện hành.

Quy định này nhằm giúp Thành phố có thể chủ động trong việc quy định chế độ, định mức chi ngân sách phù hợp với tình hình thực tiễn, hợp lý, bảo đảm cho việc triển khai nhiệm vụ hiệu quả hơn. Theo quy định hiện hành, nhiều chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Trung ương ban hành khung hoặc mức chi cụ thể để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế xã hội nhanh, giá cả tiêu dùng có những biến động theo thị trường của từng địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, một số định mức, chế độ chi ngân sách không còn phù hợp. Do đó, việc giao thẩm quyền này cho Thủ đô là rất cần thiết nhằm xây dựng những chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách TP. Hà Nội mà ngân sách Trung ương không hỗ trợ.

Đây là quy định phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong việc sử dụng ngân sách. Việc cho phép Thủ đô được ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh quá trình tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố.

Cần minh bạch và có cơ chế giám sát

PGS.TS Bùi Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại cho rằng, tác động của quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có vai trò nâng cao năng lực và tính chủ động về ngân sách nhà nước của Thủ đô nhằm thực hiện các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển.

Tác động hết sức quan trọng của các giải pháp này là nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng của Thủ đô, nâng cao tính chủ động và tính tập trung của ngân sách nhà nước của Thủ đô khi phân bổ, sử dụng và giải ngân các nguồn lực về ngân sách nhà nước cho các mục đích chi đầu tư phát triển.

PGS.TS Bùi Hữu Đức nhận định, thông qua các quy định về biện pháp này trong Luật Thủ đô, nó sẽ tháo gỡ một nút thắt quan trọng về sự thiếu hụt nguồn vốn để chi cho đầu tư phát triển của Thủ đô trong giai đoạn 2021-2030 và các giai đoạn tiếp theo trong tương lai. Từ đó, tác động lớn nhất của giải pháp chính sách này là góp phần giải được bài toán về vốn đối với các công trình đầu tư công, đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng của Thủ đô.

Theo PGS. TS Phạm Thị Giang Thu, Trường Đại học Luật Hà Nội, cần nhìn nhận vị thế của Hà Nội trong điều kiện bối cảnh quốc tế mới. Trong đó, sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô là nội dung mới so với Luật Thủ đô năm 2012. Cách nhìn nhận đúng về nguồn lực tài chính sẽ taọ ra căn cứ khoa học trong việc quy định các vấn đề về tài chính ngân sách trong Luật Thủ đô được đầy đủ và có luận cứ khoa học.

PGS. TS Phạm Thị Giang Thu cho rằng, ngoài những nguồn tài chính được đề cập thì còn nguồn nào khác không. Chẳng hạn đối với những nguồn huy động, những nguồn có nguồn gốc xã hội hóa, những nguồn từ PPP, kể cả PPP có nguồn vốn của Nhà nước. Vì vậy, có thể à bổ sung nội dung sử dụng các nguồn lực tài chính khác.

Ngoài ra, cần xác định yêu cầu minh bạch, cơ chế giám sát trong hoạt động của chính quyền và uỷ ban nhân dân các cấp của Thủ đô, xuất phát từ việc xác định nguồn lực tài chính công và ngân sách là nguồn có sự đóng góp của tổ chức và cá nhân trên địa bàn thông qua quan hệ thuế, cần nhận định nguyên tắc minh bạch theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Gia Huy

Top