Làm sạch đẹp Thủ đô chào mừng dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn
(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo như trên tại hội nghị về tăng cường chất lượng vệ sinh môi trường, triển khai cao điểm thực hiện phong trào thi đua "Sáng - xanh - sạch - đẹp", chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/ Minh Anh
Hoàn tất bàn giao công tác môi trường sau sắp xếp bộ máy
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, tính đến ngày 27/6/2025, toàn bộ các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường tại 30 quận, huyện, thị xã đã được bàn giao từ cấp huyện cũ về Sở, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận triển khai giám sát, quản lý. Sở cũng đã phối hợp chặt chẽ với các xã, phường để triển khai quyết định số 3619/QĐ-UBND ngày 1/7/2025, đảm bảo không bị đứt gãy dịch vụ công.
Sở đang trình UBND thành phố phương án phân vùng và cơ cấu lại các gói thầu vệ sinh môi trường giai đoạn 2026-2030. Song song, xây dựng các định mức kỹ thuật, giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ trên toàn địa bàn thành phố, phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2025.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, đối với công tác nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, sau lễ ra quân vận hành phương tiện cơ giới vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp môi trường đã tích cực đưa máy móc vào thực hiện thí điểm tại các phường nội đô như Cửa Nam, Hai Bà Trưng, Giảng Võ, Ngọc Hà... Phương tiện mới như xe hút bụi, xe rửa đường áp lực cao, xe thu gom rác trong ngõ ngách, xe phun sương dập bụi được triển khai đồng bộ, thay thế dần phương pháp thủ công.
Dự kiến, mô hình này sẽ mở rộng sang các phường còn lại của quận Ba Đình, Đống Đa, Láng Thượng, Văn Miếu, Ô Chợ Dừa… để tạo ra chuyển biến rõ nét.
Để đảm bảo hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã xây dựng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn chi tiết, đồng thời yêu cầu các đơn vị đặt thùng rác đúng tiêu chuẩn, phù hợp với thiết bị thu gom tự động, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn các "điểm chân rác".
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các nhà thầu rà soát, lập dự toán bổ sung gói thầu tăng cường vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn từ ngày 1/8 đến 5/9. Theo đó, tăng thêm 1 công/km trên toàn tuyến diễu binh, các trục đường chính, khu vực trung tâm vui chơi giải trí và tổ chức công nhân trực thu gom rác tại chỗ.
Thành phố sẽ lắp đặt và huy động trên 1.000 nhà vệ sinh lưu động, đồng thời vận động các cơ quan, trường học, bệnh viện, hộ dân mở cửa miễn phí khoảng 400 nhà vệ sinh công cộng, phục vụ người dân trong thời gian diễn ra sự kiện.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện một số phường Trung tâm cho đã tổ chức triển khai vệ sinh môi trường theo tuần, tổ chức phong trào thi đua giữa các khu dân cư, tổ dân phố. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn như: việc kinh doanh vỉa hè, lấn chiếm lòng đường khiến khó triển khai cơ giới hóa; ý thức người dân chưa đồng đều; thiếu công cụ giám sát chất lượng dịch vụ...
Do đó, các địa phương đề nghị Thành phố tăng cường truyền thông, ban hành quy định cụ thể và có chế tài xử lý vi phạm, đề nghị thành phố phát động tổ chức các phong trào thi đua như: Làm đẹp phố phường, đón Tết Độc Lập; thi đua trong từng thôn, xóm, tổ dân phố, có chấm điểm…
Hà Nội phát động cao điểm vệ sinh môi trường
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong thẳng thắn chỉ rõ: "Đời sống đi lên nhưng môi trường lại đi xuống, và những bức xúc của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường là có thật. "Có những phong trào từng rất hiệu quả, nhưng không được duy trì. Chúng ta phải tiếp cận vấn đề một cách mới, làm bài bản, làm đến cùng".
Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, không thể coi vệ sinh môi trường là việc ngắn hạn, phong trào một thời gian rồi xẹp xuống. Phải coi đây là một trong những nội dung thể hiện vai trò của mô hình chính quyền đô thị hai cấp – nơi gần dân, sát dân, xử lý triệt để vấn đề dân sinh bức xúc. Phó Bí thư Thường trực yêu cầu lãnh đạo xã, phường phải trực tiếp chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị vào cuộc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị riêng về công tác vệ sinh môi trường và trật tự đô thị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi tường, coi đây là một nội hàm phục vụ nhân dân và chính quyền vì dân. Đề nghị truyền thông rõ, định hướng dư luận để lập lại kỷ cương trật tự đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết hiện có hai nhóm nhiệm vụ cần thực hiện đó là: vệ sinh môi trường và trang hoàng đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp. "Tới đây, thành phố sẽ phát động cao điểm vệ sinh môi trường. Trong khoảng 1 tháng triển khai, Hà Nội phải khoác lên mình diện mạo mới, từ đó nâng cao lòng tự hào, khơi dậy ý thức cộng đồng, để Tết Độc lập trở thành dấu mốc chuyển mình của cả dân tộc và Thủ đô", Chủ tịch nhấn mạnh.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đồng tình với ý kiến phát biểu của Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong và đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động triển khai ngay phát động vệ sinh môi trường toàn thành phố. Sắp tới, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành Chỉ thị, UBND thành phố và các sở, ngành liên quan; các xã, phường xây dựng ngay kế hoạch triển khai thực hiện. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ngành; xã phường nếu phát sinh vấn đề tài chính khi triển khai thực hiện, báo cáo Sở tài chính tổng hợp, tham mưu UBND thành phố xem xét hỗ trợ kịp thời.
Minh Anh