Lan tỏa phong trào ‘Đền ơn, đáp nghĩa’ trong ‘đại dịch’
(Chinhphu.vn) - Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn hết sức phức tạp, thành phố Hà Nội đã thực hiện rất nghiêm túc công tác phòng chống dịch, nhưng không ảnh hưởng đến công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân của thành phố Hà Nội đối với người có công với cách mạng; các gia đình thương binh, liệt sĩ đã được quan tâm, động viên kịp thời.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thăm và tặng quà gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng nhân dịp Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7. Ảnh: Minh Anh |
Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và xã hội Hà Nội, từ đầu năm đến nay, 579/579 số xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đạt 100% so với kế hoạch; toàn Thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 30.888 triệu đồng (kế hoạch: 22.270 triệu đồng, đạt 138,7%), trong đó Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” Thành phố đạt trên 1 tỷ đồng (đạt trên 200%).
Tặng 4.396/2.876 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 5.423 triệu đồng, đạt 152,9% so với kế hoạch; tu sửa nâng cấp 79/47 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 50.992 triệu đồng, đạt 168,1% so với kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, Thành phố cũng đã trích ngân sách địa phương, vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 285/227 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí 11.056 triệu đồng đạt 125,6% kế hoạch (trong đó: 167 nhà xây mới, 118 nhà sửa chữa). 104/104 (100%) Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng.
Cùng với việc phấn đấu hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và các tổ chức đoàn thể còn có những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người có công như hỗ trợ về tạo việc làm, vay vốn sản xuất...
Qua rà soát trên địa bàn Thành phố hiện nay không còn hộ gia đình người có công thuộc hộ nghèo; 100% (06/06) hộ người có công thuộc diện cận nghèo đã được các quận, huyện, thị xã hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bệnh viện trên địa bàn tổ chức cấp thuốc miễn phí cho gần 12.000 lượt người có công; kinh phí cấp thuốc trên 01 tỷ đồng (Ba Đình: 2.913 lượt người, Hoàng Mai: 2.366 lượt người, Hoàn Kiếm: 1.712 lượt người, Nam Từ Liêm: 1.105 lượt người, Sơn Tây: 1.055 lượt người, Mê Linh: 1.017 lượt người, Thạch Thất: 737 lượt người...).
Theo bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có gần 800.000 người có công, bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, trong đó có hơn 86.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng... Để tri ân người có công, Hà Nội luôn triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; đồng thời, ban hành một số chính sách đặc thù, phù hợp với thực tiễn. Nổi bật là chính sách hỗ trợ điều dưỡng luân phiên đối tượng người có công từ 5 năm, xuống 2 năm/lần được thực hiện bài bản, rộng khắp.
Triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công và các chính sách đặc thù của Thành phố. Trong 7 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và giải quyết trên 14.500 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công…
Sở lao động Thương binh, xã hội Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện Kế hoạch điều dưỡng cho người có công với cách mạng năm 2021; phối hợp cung cấp thông tin đối với 242 trường hợp liệt sĩ cho các Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và cơ quan, đơn vị quân đội để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin; Thường xuyên hỗ trợ các gia đình đi thăm viếng mộ liệt sĩ theo quy định.
Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Hội Cựu chiến binh Thành phố và các đơn vị liên quan giải quyết chế độ chính sách đối với người có công theo quy định đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
Dịp 27/7 năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa hoàn thành việc chăm lo cho các gia đình chính sách nhân ngày Thương binh, liệt sĩ, nhiều hoạt động chăm sóc người có công của Thành phố đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện như biểu dương, khen thưởng người có công tiêu biểu tại địa phương, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí... góp phần động viên tinh thần, nâng cao sức khỏe, điều kiện sống cho người công.
Tính đến thời điểm ngày 27/7/2021, các quận, huyện, thị xã đã chuyển quà của Chủ tịch Nước và quà của Thành phố đến các đối tượng chính sách theo quy định bảo đảm kịp thời, chu đáo. Ngoài quà của Thành phố, các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đoàn thể đã có quà tặng đến đối tượng người có công của địa phương, cơ quan đơn vị quản lý; cụ thể, đã tặng tổng số 399.671 suất quà; số tiền gần 170,5 tỷ đồng (nguồn vận động xã hội hóa là gần 11,2 tỷ đồng).
Một số quận, huyện: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai, Gia Lâm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Ứng Hòa,...đã trích ngân sách cấp huyện tặng quà đến toàn bộ các gia đình chính sách nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2021.
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội Hà Nội, để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, ngành lao động, thương binh và xã hội Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá công tác chăm sóc người có công với cách mạng, huy động mọi nguồn lực xã hội để không ngừng nâng cao đời sống người có công.
Minh Anh