Làng cổ Đường Lâm tổ chức đêm hội Trung thu
(Chinhphu.vn) - Tối 31/8, tại thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) diễn ra Chương trình "Trung thu làng cổ" năm 2024. Sự kiện được UBND xã tổ chức nhằm mang đến cho thiếu nhi trên địa bàn một Tết Trung vui tươi, phấn khởi. Đây cũng là một trong chuỗi sự kiện tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập Thị xã Sơn Tây.
Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thủy cho biết, Chương trình "Trung thu làng cổ" có nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội thi mô hình đèn trung thu và diễu hành đèn tại không gian Cổng làng cổ Đường Lâm với sự tham dự của 9 thôn.
Các mô hình đèn trung thu của các đội được mô phỏng theo hình tượng nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, cũng như những hình ảnh được coi là biểu tượng văn hóa, là sản vật đặc trưng của địa phương.
Đường Lâm có gà Mía - là giống gà có gốc tích gắn liền với tập quán văn hóa địa phương tại làng cổ Đường Lâm. Người phương Đông quan niệm, con gà là biểu tượng cho phẩm chất, khí tiết của người quân tử. Gà trống được cho là đại diện cho Ngũ đức của người quân tử, gồm: Đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp như quần áo là Văn; Chân cứng, cựa nhọn làm vũ khí, là Võ; Khi thấy đối thủ xông vào mạnh mẽ chiến đấu, là Dũng; Thấy thức ăn là ngay lập tức gọi đồng loại, là Nhân; Đúng giờ, đúng canh cất tiếng gáy đánh thức vạn vật, là Tín. Hình ảnh gà trống mang ý nghĩa vô cùng may mắn, cầu mong những điều tốt đẹp nhất...
Đội thi thôn Cam Thịnh mang đến hội thi đèn lồng hình trâu vàng, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu là một mục đồng ngồi thổi sáo. Thân trâu cách điệu mang hình dáng ngôi nhà với ý nghĩa "con trâu là đầu cơ nghiệp". Đặc biệt, đầu trâu còn cử động được. Đây cũng là đèn lồng duy nhất của hội thi có sự kết hợp giữa yếu tố thủ công với kỹ thuật.
Năm 2024 là năm Giáp Thìn với biểu tượng của con rồng, một trong 12 con giáp. Hình tượng con rồng có ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh, quyền uy, phú quý và thịnh vượng, là linh vật được đội thôn Đông Sàng làm thành đèn lồng mang tới hội thi..
Ngoài ra, tại chương trình "Trung thu làng cổ" Đường Lâm còn có những tiết mục văn nghệ đặc sắc của các thanh, thiếu nhi trên địa bàn xã; những màn múa lân sư rồng sôi động hấp dẫn của đội Lân sư rồng thôn Đông Sàng.
Các nội dung, hoạt động tại chương trình "Trung thu làng cổ" còn có ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục những nét đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc ở vùng quê xứ Đoài, đồng thời tạo không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho làng cổ Đường Lâm, nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đây là năm đầu tiên xã tổ chức, thông qua chương trình, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; mang đến cho các em ngày tết Trung thu thực sự ý nghĩa và tràn đầy niềm vui.
Minh Anh