Làng nghề gốm Bát Tràng: Đem đến những giá trị nghệ thuật đỉnh cao
(Chinhphu.vn) - Gốm Bát Tràng luôn đem đến những giá trị nghệ thuật đỉnh cao. Không đơn thuần chỉ là tạo ra sản phẩm gốm để trang trí từ những kỹ thuật thủ công mà còn ở sự sáng tạo trong từng sản phẩm của các nghệ nhân.
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng là một làng nghề truyền thống có từ lâu đời, nổi bật với các sản phẩm gốm sứ cao cấp đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Theo thống kê, toàn xã Bát Tràng hiện có hơn 100 nghệ nhân, gần 200 doanh nghiệp và khoảng 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Các cơ sở đã và đang giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Gốm Bát Tràng phong phú về chủng loại và kiểu dáng với 3 dòng chính: Đồ gốm gia dụng; đồ gốm dùng để thờ cúng; đồ trang trí được bán trong nước và xuất khẩu. Ngoài những mặt hàng truyền thống, các cơ sở sản xuất không ngừng tìm tòi, học hỏi, thiết kế nhiều mẫu sản phẩm phù hợp với xu hướng phát triển và thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm gốm của Bát Tràng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà dần khẳng định được vai trò và thương hiệu trên trường quốc tế.
Hiện các sản phẩm gốm Bát Tràng đã đạt tới trình độ kĩ thuật chế tác cao, tính nghệ thuật và thẩm mỹ sâu sắc. Đặc biệt, nét đẹp và độ tinh xảo của gốm nơi đây được thể hiện ở quy trình sản xuất thủ công. Đề tài phổ biến trên các sản phẩm là hình rồng, phượng, thơ, câu đối, hoa văn, phản ánh thiên nhiên, đời sống tâm linh, sinh hoạt hàng ngày…
Nghề gốm làng Bát Tràng là kết tinh sự sáng tạo của con người qua nhiều thế hệ. Khi chế tác sản phẩm, nghệ nhân ngoài việc vận dụng những kỹ thuật được học từ cha ông còn phải mày mò, tìm hiểu, khám phá và sáng tạo ra những họa tiết, kỹ thuật, mẫu mã mới, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Đổi mới để chinh phục thị trường
Công ty TNHH gốm sứ Cương Duyên (xã Bát Tràng) là một trong những doanh nghiệp lớn của Bát Tràng với khoảng 200 lao động. Xưởng gốm Cương Duyên cũng là một trong những xưởng gốm "ăn khách" ở Bát Tràng do cách thuyết minh, hướng dẫn chuyên nghiệp về lịch sử phát triển, cách sản xuất, tính năng, tác dụng của từng sản phẩm...
Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Linh Trang cho biết, ngoài đáp ứng nhu cầu khách hàng ở Hà Nội, sản phẩm gốm sứ Cương Duyên còn được đưa đến thị trường các tỉnh, thành phố lớn như: Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… Đối với việc đón khách, khách hàng trong nước và quốc tế đều rất muốn tìm hiểu về nghề làm gốm của Bát Tràng, đặc biệt là những sản phẩm làm thủ công. Tính trung bình mỗi tuần, gốm sứ Cương Duyên đón hàng chục đoàn khách quốc tế từ các nước: Pháp, Đức, Australia, Singapore, Thái Lan… tham quan, mua sắm.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng ngoại nhập ngay trên "sân nhà", các doanh nghiệp gốm sứ ở Bát Tràng luôn phải nỗ lực đổi mới sản phẩm để thích ứng và chinh phục thị trường.
Là một người có thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề gốm, ông Nguyễn Viết Toàn, doanh nghiệp gốm sứ Tâm linh Vạn Thành An chia sẻ: "Hiện nay, trên thị trường rất nhiều mặt hàng gốm sứ Trung Quốc, từ đồ gia dụng, đồ mỹ nghệ đến đồ tâm linh. Nếu so về giá, gốm Bát Tràng "thua" ngay tức khắc. Bởi họ có sự hỗ trợ về dây chuyền công nghệ nên giá thành luôn rẻ hơn chúng ta. Do đó, để có thể phát triển bền vững thì với chúng tôi, sáng tạo là quan trọng nhất. Sáng tạo ở đây gồm có sáng tạo về kiểu dáng, mẫu mã, sáng tạo về màu men. Những yếu tố này giúp chúng tôi có thể cạnh tranh với hàng hoá ngoại nhập mà vẫn giữ được nét riêng của Bát Tràng".
Trong nhiều dòng sản phẩm khác nhau, Vạn Thành An tập trung nguồn lực vào các sản phẩm gốm phục vụ tâm linh. Với nhiều mẫu mã dựa trên nền tảng của các bát hương, bình gốm truyền thống và được bổ sung những sáng tạo mới, Vạn Thành An cùng các doanh nghiệp gốm sứ Bát Tràng vẫn gần như thống lĩnh thị trường gốm tâm linh.
Doanh nghiệp Gốm sứ Bảo Khánh cũng là một trong những doanh nghiệp có nhiều sáng tạo nổi bật của gốm Bát Tràng. Mới đây, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hoà mới đạt Giải Nhì cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2024 với sản phẩm Chum sành thổ cẩm.
Tác phẩm chum sành của anh có vai vuông, gợi nhớ những chiếc thạp đồng thời Đông Sơn thay vì vai tròn như nhiều loại chum khác. Phần nắp đậy, vai chum và vòng quanh chum được trang trí bằng những hoa văn thổ cẩm mà anh khai thác từ các hoa văn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tác phẩm vừa có nét mới, vừa mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc của anh được nhiều chuyên gia cũng như khách hàng đánh giá rất cao.
Anh Nguyễn Mạnh Hoà chia sẻ: "Là một người gắn bó với nghề gốm hàng chục năm nay, tôi đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm gốm khác nhau. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, tôi nhận thấy, không gì tốt hơn là mình khai thác chính giá trị văn hoá của dân tộc Việt và những dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Điều đó sẽ tạo nên đặc trưng của chính mình và giúp chinh phục thị trường". Ngoài sản phẩm Chum sành thổ cẩm, anh Hoà còn có nhiều mẫu sản phẩm khác được sáng tác theo phương pháp trên, đó là "làm mới" những nét truyền thống của văn hoá Việt trên sản phẩm.
Ngoài ra, để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp Bát Tràng đều ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm. Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, hiện khoảng 50% số hộ dân đã biết quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Nhiều người còn livestream trên trang Facebook cá nhân.
Việc người dân ứng dụng công nghệ vào bán hàng khiến việc mua hàng trở nên dễ dàng hơn so với cách bán hàng truyền thống. Trong tương lai Bát Tràng sẽ nghiên cứu xây dựng sàn thương mại điện tử của xã để quảng bá đồng thời quản lý được chất lượng hàng hóa, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm.
Để ngành hàng gốm sứ phát triển và có chỗ đứng trên thị trường, bên cạnh nỗ lực của các làng nghề cùng tâm huyết của các nghệ nhân, cũng cần có sự hỗ trợ của ngành Công thương và vai trò của hoạt động khuyến công. Hằng năm, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp triển khai Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Cuộc thi cũng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung, trong đó có ngành hàng gốm sứ. Từ đó, tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố tái cơ cấu ngành hàng, sản phẩm, thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Có thể thấy, làng nghề truyền thống Bát Tràng là một trong những điểm sáng trong gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của một nghề làm đẹp từ đất. Diện mạo, nhịp sống, con người ở Bát Tràng ẩn chứa sự hòa trộn khá hoàn hảo những nét văn hóa truyền thống của một làng quê, với xu thế phát triển mạnh mẽ, năng động là hướng đi để Bát Tràng tạo nên sức hút của riêng mình.
Diệu Anh