Lưu giữ văn hóa làng nghề qua Bảo tàng sinh thái
(Chinhphu.vn) - Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng sẽ giúp gắn kết, tích hợp hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hoá với phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố sáng tạo, lưu giữ văn hóa làng nghề; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường thực hành di sản.
Để làng gốm Bát Tràng phát triển hơn nữa
Hà Nội là đất trăm nghề có 1.350 làng nghề, trong đó có tới 327 làng nghề truyền thống và làng có nghề được thành phố công nhận, có nhiều làng nghề có tuổi đời hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các làng nghề vẫn giữ được lửa nghề để mưu sinh và phát triển không ngừng.
Trong đó, có làng nghề cổ truyền gốm Bát Tràng đã có lịch sử phát triển nghề tới ngàn năm tuổi, là một trong hàng ngàn làng nghề cả nước hiện đang được bảo tồn và phát triển không ngừng.
Bát Tràng là một làng cổ bên tả ngạn sông Hồng, có quá trình gắn bó lâu dài với Thăng Long - Hà Nội. Trải qua thời gian, đến nay làng gốm Bát Tràng đã trở thành biểu tượng văn hóa nghề truyền thống của Hà Nội, là niềm tự hào của người dân Hà thành.
Gốm Bát Tràng đã trở thành thương hiệu, là địa chỉ hàng hóa được khẳng định chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm truyền thống, Bát Tràng còn được biết đến như một ngôi làng mang những giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc, ẩn chứa qua các công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng, những lễ hội và nghệ thuật ẩm thực độc đáo… của một ngôi làng gần ngàn năm tuổi.
Trong những năm gần đây, hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hoá của Bát Tràng đã bước đầu khởi sắc. Năm 2019, Bát Tràng được công nhận Điểm du lịch của TP. Hà Nội. Năm 2022, Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Địa phương đầu tiên đang được các chuyên gia đề xuất triển khai mô hình này đó là làng cổ Bát Tràng - nơi sở hữu di sản văn hoá phi vật thể trong Danh mục quốc gia với Nghề truyền thống gốm Bát Tràng.
Các sản phẩm gốm, lò nung gốm, thậm chí là toàn bộ không gian kiến trúc cổ hay con người tại đây đều có thể trở thành một phần của bảo tàng sinh thái Bát Tràng.
Làm thế nào để làng gốm Bát Tràng phát triển hơn nữa, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái - nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hoá và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế -xã hội địa phương là mong mỏi, trăn trở của nhiều người dân Bát Tràng.
Đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Mới đây, tham luận tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội chia sẻ về Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng-Từ ý tưởng sáng tạo đến hiện thực hóa việc phát huy giá trị làng nghề truyền thống, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Theo bà Hà Thị Vinh, Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng được thiết lập bằng việc bảo vệ và gìn giữ những công trình kiến trúc truyền thống của làng cùng với những hiện vật là vật dụng của người dân và cả cảnh quan tự nhiên sống động cùng cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân Bát Tràng, với đầy đủ các phong tục tập quán, thói quen lao động, nghi lễ, âm nhạc và ẩm thực truyền thống và đặc biệt là nghề gốm Bát Tràng...
Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng đóng vai trò cùng lúc là: Một tổ chức xã hội; Một ngôi làng cổ; Một bảo tàng; Một nơi sinh sống hằng ngày của cư dân địa phương; đảm nhiệm tốt vai trò của một ngôi làng và một bảo tàng độc đáo với tính đa dạng của các hoạt động mà trọng tâm là nghề gốm, được thể hiện sống động bởi chính dân làng Bát Tràng.
Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng là một tổ chức văn hóa cho phép nghiên cứu, trưng bày, bảo vệ và phát huy một tập hợp tài sản văn hóa và thiên nhiên trong phạm vi khu vực Làng cổ Bát Tràng, đại diện cho môi trường và lối sống gắn liền với cộng đồng cư dân làng Bát Tràng; là một không gian công cộng quy tụ dân làng Bát Tràng, dựa trên di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, truyền thống và tập quán của làng như là những công cụ gắn kết và hòa giải, cùng thành tựu kinh tế để vừa có thu nhập, bảo vệ, chia sẻ và quảng bá di sản, vừa phát triển cộng đồng làng…
Vai trò của Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng giúp gắn kết dân làng Bát Tràng trong việc giữ gìn cấu trúc làng xưa. Đồng thời, bảo vệ vai trò chủ thể di sản văn hoá của dân làng và quyền sử dụng di sản của chính họ; giữ gìn truyền thống, di sản, ký ức và cảnh quan làng. Cộng đồng cư dân làng Bát Tràng là chủ thể văn hóa – chủ sở hữu di sản văn hóa và cũng là chủ sở hữu, tổ chức và vận hành Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng với sự trợ giúp của nhóm chuyên gia, được hưởng lợi trên chính cơ sở vật chất, không gian mình đang sinh sống.
Bảo tàng sinh thái được thiết lập tại Bát Tràng sẽ giúp bảo tồn "sống", bảo tồn "tại chỗ" toàn bộ cảnh quan thiên nhiên - văn hoá cùng đời sống văn hoá - xã hội; gia tăng giá trị của di sản văn hoá với tư cách là động lực của phát triển, là tiềm năng để ứng dụng kinh tế học di sản, phục vụ phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch có tính đột phá từ tài nguyên văn hoá mang tính đặc thù của làng cổ Bát Tràng với sự tham gia của cộng đồng và dựa vào cộng đồng. Gắn kết, tích hợp hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hoá với phát triển Công nghiệp văn hóa, Thành phố sáng tạo, chương trình xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường thực hành di sản.
"Là con của đất Bát Tràng, tôi tin tưởng người dân Bát Tràng sẽ thành công với mô hình Bảo tàng sinh thái nhờ sự chung tay của các nghệ nhân, doanh nghiệp... Qua đó sẽ lưu giữ cho thế hệ mai sau những giá trị tốt đẹp, cũng như góp phần phát triển kinh tế, gắn văn hóa với du lịch làng nghề...", bà Hà Thị Vinh nhấn mạnh.
Diệu Anh