Làng nghề Thủ đô chủ động ‘bứt phá’
(Chinhphu.vn) - Với nhiều làng nghề Hà Nội, không khí sản xuất đã rất nhộn nhịp ngay từ đầu năm 2023. Người dân đang rất hào hứng đón đợi nhiều cơ hội kinh doanh mới. Việc tích cực sản xuất ngay từ đầu năm sẽ góp phần phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.
Làng nghề sản xuất bánh, kẹo Nội Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) vừa được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu "Làng nghề Hà Nội". Làng có nghề làm bánh, kẹo, bánh trung thu, bánh chả, bánh vừng vòng… truyền thống.
Theo ông Hoàng Văn Tươi, chủ một cơ sở sản xuất bánh kẹo của xã Liên Ninh, từ năm 1965, nhiều người dân ở Nội Am đi làm trên các tiệm bánh ở phố cổ Hà Nội, học được nghề và truyền lại cho con cháu để phát triển kinh tế. Trong 15 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh, kẹo phát triển đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Hiện nay, Nội Am có 183/728 hộ làm bánh, kẹo, bánh trung thu truyền thống; số lao động làm nghề là 282 người, chiếm 20% tổng số lao động trong độ tuổi trên địa bàn. Thu nhập bình quân của người làm nghề đạt gần 70 triệu đồng/năm.
Theo Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Tạ Duy Đông, từ năm 2021, xã Liên Ninh đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, làng Nội Am đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Và ngay từ đầu năm 2023, nhân dân trong xã đã tích cực bắt tay vào công việc sản xuất để chủ động nguồn hàng.
Từ một làng thuần nông, những năm qua, người dân Phú An (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) nhanh nhạy "nhân cấy" nghề mới về địa phương. Đến nay, Phú An trở thành một trong những làng chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất có tiếng ở Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Đức Dũng, trong những năm gần đây, làng nghề Phú An có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, mang lại cho xã hội nguồn thu nhập lớn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
"Cả thôn Phú An có 523 hộ thì đã có 171 hộ mở xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất. Ước tính, năm vừa qua, giá trị sản xuất từ làng nghề ước đạt 158 tỷ đồng chiếm 88,27% tổng giá trị sản xuất của làng. Số lao động tham gia làm nghề là 900 lao động, chiếm 69% tổng số lao động trong độ tuổi hiện có của làng. Năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 10-15 triệu đồng/tháng", ông Dũng cho hay.
Phú An hiện là một trong những thôn có kinh tế phát triển nhất của xã. Hoạt động sản xuất tại làng nghề góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Thanh Đa và quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thôn Phú An cũng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu: Làng nghề Hà Nội cuối năm 2022.
Đến với làng nghề gỗ Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội, ngay từ những tháng đầu năm, không khí sản xuất đã rất tấp nập. Mỗi ngày, hàng trăm thợ từ các nơi về đây làm nghề. Những tiếng lách cách quanh năm như nhịp tim của làng nghề, không ngừng, không nghỉ.
Xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín hiện có 1.600 hộ trên tổng số hơn 2.500 hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ; tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động địa phương, thu nhập bình quân đầu người 72 triệu đồng/năm, xã đạt nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Nghề gỗ là nghề chính của xã, đóng góp 70% tổng thu nhập toàn xã. Cũng giống như các làng nghề khác, các hộ gia đình trong xã tham gia nghề gỗ với vai trò khác nhau, thường chia thành các nhóm hộ gia đình buôn bán, xẻ gỗ, gia công sản xuất và chế biến. Mỗi nhóm hộ gia đình đảm nhận một công đoạn tạo nên các mắt xích trong chuỗi cung ứng từ gỗ nguyên liệu đến sản phẩm gỗ của làng nghề.
Anh Nguyễn Văn Hùng (Vạn Điểm, Thường Tín) chia sẻ, với 12 lao động, hiện cơ sở anh đang tích cực sản xuất theo các đơn đặt hàng của khách. Trung bình mỗi ngày xưởng của anh tiêu thụ được một vài sản phẩm mộc dân dụng, như giường, tủ, bàn ghế, tranh, đồng hồ….
"Để tạo ra những sản phẩm đa dạng về kiểu dáng, bảo đảm chất lượng, không chỉ riêng tôi, mà tất cả những cơ sở sản xuất ở làng nghề xã Vạn Điểm đã mạnh dạn mua các loại máy móc, như máy cưa, máy xẻ, máy cắt, máy chạm khắc gỗ…. đời mới trị giá hàng trăm triệu đồng/chiếc, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm, qua đó tạo ra những sản phẩm tinh xảo", anh Hùng nói.
Hiện TP. Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", phát triển các điểm bán và giới thiệu các sản phẩm OCOP làng nghề... Do đó, các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề đã và đang được tiếp cận với những cơ chế hỗ trợ của Thành phố.
Tuy nhiên, để làng nghề phát triển hơn nữa, các làng nghề cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hoạt động: Xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, xử lý môi trường, cải tiến công nghệ, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng...
Diệu Anh