Lấy ý kiến cử tri góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi)

23/08/2022 6:07 PM

(Chinhphu.vn) - Quốc hội rất thận trọng, kỹ lưỡng trong chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai và mong muốn lắng nghe các ý kiến của cử tri về khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vấn đề không theo kịp xu thế phát triển, chưa phát huy được tiềm năng đất đai cần phải sửa đổi.

Lấy ý kiến cử tri góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai - Ảnh: VGP/GH

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai thông tin tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố và lấy ý kiến góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức hôm nay (23/8).

Đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn, hằng năm, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách từ đất khoảng 20.000 - 28.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% - 18% tổng nguồn thu ngân sách thành phố.

Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng 2.873 dự án, với diện tích là 16.106ha; số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là 121.106 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ.

Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn thành phố đã tổ chức trên 3.100 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi trên 2.400 tỷ đồng và trên 18 triệu m2 đất, kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt vi phạm 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc.

Theo thống kê, số vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai đã được thành phố chỉ đạo giải quyết là 30.896 vụ. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 26,9 tỷ đồng và trên 176.000 m2 đất…

TS. Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam khẳng định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, thể chế hóa được tinh thần, quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", từ đó giải quyết được các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều quan điểm đổi mới. 

Liên quan đến cưỡng chế, thu hồi đất và công trình tài sản trên đất trong dự thảo luật, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, hiện nay quận triển khai cưỡng chế, thu hồi đất liên quan đến tài sản gắn với công trình xây dựng theo Luật Xây dựng, do đó dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần kết nối với các luật có liên quan về nội dung này để bảo đảm làm rõ và khả thi trong thực hiện.

Bên cạnh đó, thực tế nảy sinh tình huống đền bù giải phóng mặt bằng mà trong dự thảo luật chưa quy định hết như mua bán, trao tặng trước ngày 1-7-2018 thì có thể được quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chưa có giấy tờ; nhưng sau thời điểm này vẫn có giao dịch đất đai sẽ đặt ra vấn đề bồi thường cho người có đất trước đây nhưng không sử dụng hay người đang sử dụng nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất, các cử tri cũng khẳng định đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong dự thảo luật, cần quy định cụ thể để hạn chế khiếu nại, tố cáo và tham nhũng, tiêu cực. Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đề nghị, bên cạnh việc bỏ khung giá đất, cần quy định cơ chế, phương pháp xác định giá đất ngay trong dự thảo luật. Đồng thời, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, dự thảo luật cần xác định rõ cơ quan định giá đất cấp tỉnh; bổ sung thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội vào hội đồng thẩm định giá đất để bảo đảm tính khách quan, độc lập của hội đồng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Phạm Thị Thanh Mai thông tin, dự kiến kỳ họp cuối năm 2023 Quốc hội mới thông qua Luật Đất đai, cho thấy Quốc hội rất thận trọng, kỹ lưỡng trong chuẩn bị sửa đổi Luật này và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là lắng nghe các ý kiến của cử tri là chuyên gia, nhà xây dựng luật, phản biện, giám sát, nhóm cử tri là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, từ đó lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vấn đề không theo kịp xu thế phát triển, chưa phát huy được tiềm năng đất đai cần phải sửa đổi.

Các cơ quan tham mưu hiện đang tích cực lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan quản lý đến nhân dân, trong đó có những vấn đề về kết cấu, quan điểm, nguyên tắc, khái niệm, giải thích từ ngữ. Các đại biểu cũng đóng góp những ý kiến xác đáng về công tác quản lý, những bất cập trong công tác này trong thời gian qua; hành vi cấm, xử phạt vi phạm; công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB tái định cư; giá đất, bản đồ giá đất; hệ thống cơ sở dữ liệu, quyền tiếp cận thông tin về đất đai; sự đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật khác.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, các ý kiến góp ý sẽ được Đoàn ĐBQH Thành phố tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến (lần 1) tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2022. Bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 Chương (tăng 2 chương so với Luật hiện hành) gồm 237 Điều (giữ nguyên 48 Điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều so với Luật hiện hành).

Gia Huy

Top