Lễ hội Xuân 2024: Văn minh, an toàn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống

09/02/2024 7:22 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đã sẵn sàng cho mùa lễ hội Xuân năm 2024 nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch của các địa phương, bảo đảm môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết.

Lễ hội Xuân 2024: Văn minh, an toàn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 1.

Xễ hội Xuân năm 2024 nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa - Ảnh: VGP/GH

Tăng giá vé tại di tích cần đi liền với quản lý chất lượng hơn

Thủ tướng Chính vừa ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/1/2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Thủ đô Hà Nội có hơn 1.500 lễ hội với nhiều quy mô khác nhau, trải rộng ở tất cả các quận, huyện, thị xã, trong đó, các lễ hội truyền thống chủ yếu tập trung vào mùa Xuân.

Nhiều lễ hội lớn, thu hút đông đảo khách thập phương tới dự như: Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, quận Đống Đa; lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức; lễ hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh; lễ hội Cổ Loa ở huyện Đông Anh; lễ hội Gióng đền Sóc ở huyện Sóc Sơn; lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm; lễ hội chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ...

Nhiều năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các quận, huyện, thị xã đã có nhiều chuyển biến, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Tuy vậy, nhận định của Thành phố cho thấy vẫn còn không ít các bất cập xảy ra, đặc biệt là an ninh trật tự, vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội...

Vì vậy, trước mùa lễ hội Xuân 2024, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các các ngành liên quan, các địa phương không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh sử dụng các hình thức truyền thông như: quảng bá, giới thiệu về di tích, lễ hội trên các website địa phương, nền tảng mạng xã hội, các phần mềm tiện ích… để người dân, du khách dễ tiếp cận, thực hiện.

Một điểm mới của năm nay là phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn Hà Nội tăng giá từ ngày 1/1/2024 theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội.

Theo đó, Nghị quyết quy định phí tham quan một lượt với mỗi khách với Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 70.000 đồng; di tích đền Ngọc Sơn 50.000 đồng; di tích Nhà tù Hỏa Lò 50.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 100.000 đồng; di tích Cổ Loa 30.000 đồng; di tích chùa Hương 120.000 đồng (trong đó có 2.000 đồng bảo hiểm khách du lịch)…

Ngoài ra, về quản lý sử dụng phí, đối với di tích chùa Hương, đơn vị thu phí nộp ngân sách nhà nước 85% (bao gồm kinh phí tôn tạo, tu bổ khu di tích và kinh phí tổ chức lễ hội cho Ban tổ chức lễ hội, xã Hương Sơn); để lại cho đơn vị thu phí 15%. Đối với đền Quán Thánh, chùa Thầy, chùa Tây Phương, nộp ngân sách nhà nước 100%. Đối với Làng cổ Đường Lâm, 100% phí tham quan được để lại cho đơn vị thu phí…

Với việc hầu hết phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa của Hà Nội đều tăng giá sẽ góp phần bù đắp chi phí về bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý đối với danh lam thắng cảnh, bảo tồn tốt hơn và phát huy giá trị các di tích. Tuy nhiên cũng đòi hỏi công tác tổ chức các hoạt động tại di tích, tổ chức lễ hội đầu Xuân cần được quản lý tốt hơn nữa.


Lễ hội Xuân 2024: Văn minh, an toàn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 2.

Lễ hội Chùa Hương năm 2023 - Ảnh: VGP

Lễ hội Chùa Hương: Bán vé điện tử tham quan thắng cảnh

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương năm 2024, lễ hội nay có chủ đề: Lễ hội Chùa Hương "An toàn- Văn minh -Thân thiện", diễn ra từ ngày 11/2/2024 đến hết ngày 01/5/2024, (tức từ ngày mùng 02 tháng Giêng đến hết ngày 23/3 năm Giáp Thìn). Ngày khai hội sẽ được tổ chức vào  ngày 15/02/2024 (tức ngày mùng 06 tháng Giêng, năm Giáp Thìn).

Nhiều năm qua, lễ hội Chùa Hương luôn khẳng định được giá trị văn hóa, phát huy giá trị quần thể khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn - Di tích Quốc gia đặc biệt, góp phần bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hoá gắn với phát triển kinh tế - xã hội; quảng bá giá trị quần thể khu Di tích gắn với tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của huyện.  

Để chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương năm nay, Ban tổ chức đã thành lập 5 tiểu ban và thông qua quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng thành viên các tiểu ban, các tiểu ban xây dựng kịch bản quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo.

Lễ hội Chùa Hương năm 2024 được tiếp tục duy trì hình thức bán vé tham quan thắng cảnh bằng vé điện tử. Ban tổ chức bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội. Công ty CP Chùa Hương xanh tiếp tục đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để phục vụ du khách.

Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã tham mưu các nội dung thực hiện công tác đổi mới tại lễ hội như: Rà soát việc triển khai thực hiện đề xuất tăng giá vé thắng cảnh, giá vé thuyền đò; công tác quản lý, điều hành vận chuyển khách; tham mưu về giá vé xe điện, giá dịch vụ xuồng đò; chỉnh trang về công tác trang trí, bố trí an ninh trật tự bảo vệ lễ hội; xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền, đề xuất với Sở Du lịch tổ chức các Chương trình, Hội nghị xúc tiến quảng bá hình ảnh về du lịch thắng cảnh Hương Sơn; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ và nhân dân về văn hóa ứng xử, phục vụ du khách từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Đối với công tác tổ chức lễ hội Chùa Hương năm nay, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà đã yêu cầu công tác tổ chức lễ hội phải chu đáo, an toàn; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ… Ngoài ra, cần tạo dấu ấn của điểm đến là lễ hội du lịch tâm linh, tôn nghiêm; đẩy mạnh chuyển đổi số như có thể bán vé trên mạng, thanh toán vé không dùng tiền mặt… để việc tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay thực sự đổi mới.

Thủ tướng Chính phủhttps://baochinhphu.vn/bao-dam-nep...
Lễ hội Xuân 2024: Văn minh, an toàn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 3.

Lễ hội gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh: VGP

Quảng bá hình ảnh, thúc đẩy du lịch qua lễ hội Gióng đền Sóc

Về công tác tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, từ cuối tháng 12/2023 huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị Lễ hội Gióng - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; giá trị Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc - Di tích Quốc gia Đặc biệt tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Thông qua các hoạt động của lễ hội, nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của huyện để đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Lễ hội Gióng đền Sóc diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15 đến 17/2/2024 (tức ngày 6-8 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Lễ khai hội diễn ra vào 7h30 ngày 15/2 (tức ngày 6 tháng Giêng) tại Khu du lịch - Di tích đền Sóc.

Trong dịp này, huyện Sóc Sơn sẽ tổ chức các hoạt đông tham quan, trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương; tổ chức gian hàng giới thiệu quảng bá du lịch Sóc Sơn và các gian hàng sản phẩm OCOP. Về phần hội sẽ bao gồm hoạt đọng thi đấu thể dục hể thao, các trò chơi dân gian, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật…

Để tổ chức tốt lễ hội, UBND huyện Sóc Sơn đã yêu cầu tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách giá vé đúng qui định, không để tổ chức, cá nhân bắt chẹt du khách. Trong 3 ngày hội tuyệt đối không tổ chức trông giữ phương tiện tại khuôn viên của di tích. Bố trí sắp xếp hàng quán ngăn nắp; nghiêm cấm nâng giá cao; không bán hàng rong; buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tổ chức trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình, ăn tiền; bày bán các loại ấn phẩm mê tín dị đoan; sử dụng loa công suất lớn.

Huyện sẽ tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự sáng ngày mùng 6 tháng Giêng khi thực hiện nghi lễ khai hội. Điều tiết, phân làn, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường đến khu vực đền Sóc, không để xảy ra cháy nổ khu vực tổ chức lễ hội, cháy rừng và khu vực trông giữ phương tiện cho khách.

Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hoạt động lễ hội. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: lưu hành ấn phẩm, văn hóa phẩm trái phép không phù hợp với thuần 4 phong mỹ tục; tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ dùng loa công suất lớn; việc đặt tiền công đức, tiền lễ đúng quy định...

Ngoài ra, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ... xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng lễ hội để tăng giá, ép giá.

Bên cạnh đó, bảo đảm khu vực lễ hội sạch sẽ, không để xả rác bừa bãi, đặt thêm một số thùng rác lưu động và một số nhà vệ sinh công cộng; bố trí lực lượng thu gom rác, vận chuyển rác trong ngày, không để tồn đọng gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường.

Gia Huy

Top