Quản lý các lễ hội lớn trên địa bàn Thành phố năm 2024

23/01/2024 6:54 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 23/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn Thành phố năm 2024. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chủ trì Hội nghị.

Quản lý các lễ hội lớn trên địa bàn Thành phố năm 2024- Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Anh

Phát huy giá trị các di sản văn hóa

Theo báo cáo, Hà Nội dự kiến có hơn 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024. Có lễ hội chỉ trong vài ngày nhưng cũng có những lễ hội kéo dài vài tháng. Bên cạnh đó, vào những ngày đầu năm mới thường diễn ra các hoạt động "dâng sao giải hạn". Kèm theo đó là các vấn đề về phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ...

Kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2024 của UBND thành phố Hà Nội yêu cầu: Đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên địa bàn Thành phố.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa; đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết.

Vì vậy, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức lễ hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống…

Đảm bảo an toàn cho nhân dân vui Xuân

Tại Hội nghị, đại diện quận Đống Đa cho biết với Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra từ mùng 5 Tết là khởi đầu cho mùa lễ hội tại Hà Nội, đơn vị đã có nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch để thực hiện tốt các công tác phục vụ cho sự kiện diễn ra tại quận. Đống Đa có bãi đỗ xe miễn phí, không có bán hàng rong trong khuôn viên tổ chức lễ hội, đó là điều mà quận muốn lan tỏa tới các đơn vị bạn.

Hiện nay, công tác chỉnh trang, chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Lễ hội Gò Đống Đa Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được thành phố tăng cường thêm một đêm nghệ thuật phục vụ nhân dân thưởng thức và vui xuân.

Đại diện huyện Mê Linh cho biết Lễ khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng sẽ diễn ra vào buổi tối thay vì buổi sáng như mọi năm. Sau đó sẽ có một bộ phim 3D mapping trình chiếu để ca ngợi, tưởng nhớ công lao của Hai Bà.

Còn đại diện huyện Sóc Sơn cho biết đơn vị sẽ đảm bảo việc "tất lộc" tại Hội Gióng được đảm bảo đúng như truyền thống và không xảy ra việc tranh cướp lộn xộn, không đảm bảo an ninh trật tự.

Quản lý các lễ hội lớn trên địa bàn Thành phố năm 2024- Ảnh 2.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh. Ảnh: VGP/Minh Anh

Phát biểu kết luận Hội nghị, đánh giá cao việc chuẩn bị công tác lễ hội Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại các quận, huyện, thị xã, đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh đây là năm đầu tiên Thành phố triển khai thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Các địa phương tại Hà Nội đã rất ý thức và tập trung triển khai theo bộ tiêu chí này.

Bên cạnh đó, bám sát chỉ đạo của UBND Thành phố, các đơn vị chức năng đã có những văn bản triển khai để đảm bảo công tác lễ hội được diễn ra thành công tốt đẹp. Do đó, đồng chí Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương chủ động công tác thông tin để tuyên truyền cái hay, cái đẹp và ý nghĩa của các tập tục, lễ hội để báo chí tuyên truyền cũng như du khách thập phương nắm được.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị nghiên cứu vấn đề các cán bộ phục vụ tại lễ hội tại Hà Nội cần có những bộ nhận diện đặc trưng, vừa dễ phân biệt vừa tạo niềm tự hào, tự tin cho cán bộ tại những di tích, đền chùa. Bên cạnh đó họ cần được tiếp tục tập huấn về thái độ, ứng xử đảm bảo môi trường văn hóa trong lễ hội đặc biệt trong những ngày đầu năm, tạo sự hoan hỉ cho du khách, đảm bảo an toàn cho Nhân dân vui Xuân.

Đồng chí đặc biệt cũng đề nghị việc bài trí, tổ chức lễ hội tại các địa phương phải trang trọng, thẩm mỹ. "Phần lễ phải đảm bảo truyền thống của địa phương, quan tâm, chú ý tới phần chúc văn, nêu bật được đặc trưng, bản sắc văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Phần hội cần phải quán xuyến phần trò chơi, bán hàng, lưu tâm hạn chế đặt tiền lẻ và việc đặt hòm công đức sao cho hợp lý, trở thành sản phẩm văn hóa của Hà Nội", đồng chí Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đơn vị, địa phương đã tiến hành ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống trên địa bàn.

Minh Anh

Top