Phát huy nét đẹp lễ hội kết chạ độc đáo ở Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Thăng Long - Hà Nội vốn là nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, tạo nên bản sắc riêng ít nơi nào có được. Một trong sự độc đáo đó phải kể tới lễ hội truyền thống "Lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai" ở phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) và phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tương truyền, làng Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2) và thôn Kiều Mai (phường Phúc Diễn) có tục kết chạ lâu đời, xuất phát từ việc thờ cúng các Thành hoàng trong làng. Phú Mỹ thờ Ả Lã Nàng Đê, còn Kiều Mai thờ Quốc công là em trai bà, đều là danh tướng của Hai Bà Trưng. Một mặt, do canh tác nông nghiệp, một diện tích đất nông nghiệp của làng Phú Mỹ rộng 1.091 mẫu nằm sát với ruộng của làng Kiều Mai (rộng 280 mẫu). Do đó, dân hai làng coi nhau như anh em.
Theo tục truyền, tục kết chạ giữa hai làng Phú Mỹ - Kiều Mai đã được xác lập và duy trì từ xa xưa và từng có một khoán ước ký kết ngày 10 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745). Sau vì khoán ước rách nát nên được phục dựng lại ngày 1 tháng 6 năm Quý Dậu (1933), niên hiệu Bảo Đại. Hiện khoán ước này còn được lưu giữ lại hai tổ dân phố Phú Mỹ và Kiều Mai.
Nội dung khoán ước ghi rõ: Hàng năm vào ngày 7 tháng Giêng, thôn Kiều Mai sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Phú Mỹ để dự Lễ khánh hội tại thôn Phú Mỹ. Ngày 10 tháng Hai, thôn Phú Mỹ sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Kiều Mai để dự Lễ khánh hội tại thôn Kiều Mai. Ngoài ra còn quy ước cụ thể về lễ và các nghi thức hành lễ liên quan.
Đến nay, nhân dân Phú Mỹ - Kiều Mai vẫn duy trì Khoán ước này và tổ chức lễ hội truyền thống "Lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai". Hội kết chạ giữa Phú Mỹ - Kiều Mai gắn với việc phụng thờ Thành hoàng của hai làng. Theo thông lệ xưa, năm nào "Hòa cốc phong đăng" (được mùa), hai bên cùng tổ chức lễ hội và có rước lớn, việc này do hai bên bàn bạc, thống nhất.
Tại đình Kiều Mai còn bản "Giao tự sự" lập lại ngày 10 tháng Giêng năm Duy Tân thứ 5 (1911) ghi lại việc chức dịch và nhân dân hai làng lập thỏa ước kết nghĩa anh em theo di huấn của tổ tiên. Mỗi năm vào ngày hội làng Phú Mỹ (mùng 7 tháng Giêng), làng Kiều Mai rước Thánh sang đình Phú Mỹ để cúng tế lễ. Đến ngày 10 tháng 2, Kiều Mai mở hội, Phú Mỹ lại rước Thánh sang đình Kiều Mai để tế lễ trang trọng kính cẩn. Trong lễ hội có các trò chơi dân gian, cờ bỏi, bắt vịt, leo cây. Làng Phú Mỹ có hội "hát cửa đình", hát ả đào do phường hát họ Vũ biểu diễn. Hiện tại, nhà thờ họ Vũ còn tấm bia ghi 3 chữ "Ca Công Sứ". Còn ngai thờ tổ nghề hát là bà tổ Đào Thị Mẫu – bà được nhà Vua phong tặng là "Nam quốc danh ca Đào Thị Mẫu".
Nếu như trước đây, các cụ thường đợi năm nào được mùa mới tổ chức lễ rước lớn thì hiện nay, lễ rước lớn được tổ chức 5 năm 1 lần. Ở hội giao hiếu quy mô lớn, ngoài kiệu bát cống, kiệu long đình, thì quy mô của đoàn rước làng nọ sang làng kia lên đến khoảng 300 người, tạo ra một lễ rước hoành tráng. Những năm khác, lễ hội được tổ chức với quy mô nhỏ hơn. Mỗi làng sẽ rước 1 kiệu long đình, 1 kiệu bát cống và đầy đủ tự khí, quân kiệu nam và quân kiệu nữ sang dự hội làng bên. Đặc biệt, khi làng Kiều Mai rước kiệu sang làng Phú Mỹ thì làng Phú Mỹ rước kiệu ra nghênh đón và ngược lại.
Ông Lê Xuân Kế, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm cho biết, hai làng có truyền thống giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường nhật. Có lần Kiều Mai bị hỏa hoạn, Phú Mỹ huy động nhân dân đóng góp tre nứa, rơm rạ và nhân công sang giúp xây dựng nhà cửa. Ngược lại, Phú Mỹ nhiều ruộng nên cày sau, cấy muộn thì Kiều Mai mang trâu bò, nhân công sang cày cấy giúp sức cho kịp thời vụ. Tục kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai là nét đẹp văn hóa Thăng Long bên bờ sông Nhuệ. Qua các lần lễ hội, các làng càng thêm yêu thương, đùm bọc, nuôi dưỡng tâm thức về tình nghĩa anh em thiêng liêng cao quý.
Cũng theo ông Lê Xuân Kế, để bảo tồn và phát huy lễ hội độc đáo này, địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có lễ kết chạ. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được giá trị, ý nghĩa của các di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ, giá trị của di sản. Ngoài ra, địa phương cần huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, huy động nguồn lực từ nhân dân để thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, có chính sách đãi ngộ với người thực hành di sản, trao truyền di sản.
Như vậy, lễ kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai mang đậm nét văn hóa truyền thống của cộng đồng, là sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết ngàn đời của hai làng. Đây cũng là sản phẩm văn hóa độc đáo được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang những giá trị văn hóa, lịch sử riêng của địa phương. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này cần sự chung tay của cả các cấp chính quyền cũng như cộng đồng hai làng.
Minh Anh