Lễ Khai mạc SEA Games 31: Tôn vinh bản sắc văn hóa Đông Nam Á
(Chinhphu.vn) - Chương trình nghệ thuật biểu diễn tại SEA Games 31 có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ nổi tiếng, các đơn vị nghệ thuật Trung ương và Hà Nội… được kỳ vọng sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả và bạn bè quốc tế.
Tại họp báo ngày 10/5, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Phó Trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban khai mạc và bế mạc SEA Games 31, cho biết chương trình khai mạc sẽ diễn ra với lễ diễu hành, lễ thượng cờ Việt Nam và cử hành Quốc ca, thượng cờ Đông Nam Á và SEA Games 31. 11 gương mặt vận động viên xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam đã được chọn để cầm cờ.
Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra tối 12/5 trên Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Đây được coi là một hoạt động thể thao-văn hóa mang tầm khu vực, góp phần quảng bá hình ảnh, tạo ra dấu ấn đậm nét, cũng như góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.
Thông điệp "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn - For a Stronger South East Asia" được thể hiện rõ nét thông qua các loại hình biểu diễn nghệ thuật.
Sau nghi lễ khai mạc, 11 vận động viên sẽ rước đuốc và thắp sáng đài đuốc SEA Games 31.
Bà Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), tổng đạo diễn chương trình Lễ Khai mạc SEA Games 31 chia sẻ: Lễ khai mạc sẽ góp phần khắc họa những hình ảnh đẹp nhất về một Việt Nam hấp dẫn, thân thiện, hiếu khách, cùng với các quốc gia ASEAN khác tỏa sáng, mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19 thông qua 3 phần trình diễn.
Cụ thể, Chương 1 mang tên "Việt Nam thân thiện" với những màn trình diễn thể hiện bản sắc văn hóa riêng có, sự mến khách, thân thiện với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chương 2 là "Đông Nam Á mạnh mẽ," thể hiện sức mạnh của cộng đồng các nước ASEAN khi liên kết sẽ tạo nên một vị thế trên bản đồ thế giới.
Chương 3 có tên gọi "Đông Nam Á tỏa sáng", thể hiện sức mạnh đoàn kết, tình hữu nghị của Việt Nam và các nước trong khối ASEAN cùng nhau xây dựng cộng đồng vững mạnh, phát huy vai trò của ASEAN trên trường quốc tế.
Bà Trần Ly Ly chia sẻ thêm, Lễ khai mạc SEA Games 31 có sự huy động của rất nhiều nghệ sĩ tài năng như PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái; PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; biên kịch Phan Huyền Thư; đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường; Giám đốc âm nhạc Huy Tuấn; biên đạo NSND Nguyễn Hồng Phong; NSND Lữ Thị Kiều Lê cùng 20 cộng sự...
Trong chương trình nghệ thuật biểu diễn, văn hóa Đông Nam Á được đặc biệt chú trọng. Theo cố vấn nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái, nội dung chính của Lễ Khai mạc thể hiện một Việt Nam chủ động, kết nối và truyền cảm hứng, lan tỏa đến các nước trong khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều biến động lớn. "Hãy đến đây với chúng tôi, chúng ta sẽ cùng nhau tỏa sáng và thể hiện sức mạnh của tình đoàn kết, thái độ cầu thị và yêu chuộng hòa bình, giữ vững ổn định chính trị trong khu vực Đông Nam Á" là thông điệp mà chương trình Khai mạc SEA Games 31 muốn nhấn mạnh. Chương trình không chỉ nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam, mà còn thể hiện một tâm thế chủ động hội nhập và sáng tạo, đóng góp và gánh vác cùng cộng đồng quốc tế và "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn".
Không chỉ đề cao quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam, mục đích lớn lao hơn là tôn vinh bản sắc văn hóa của cộng đồng các nước trong khu vực Đông Nam Á để thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, đề cao tinh thần cống hiến và trung thực, phát huy nội lực của con người thông qua thi đấu thể thao. Chương trình sử dụng những chất liệu nghệ thuật mang tính truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, đồng thời có sợi dây liên kết những nét tương đồng trong "Căn cước văn hóa Đông Nam Á" để xây dựng một hệ thống biểu tượng của cộng đồng văn hóa khu vực.
Lễ Khai mạc SEA Games 31 được áp dụng công nghệ mới trong nghệ thuật thể hiện và trình diễn trong không gian quảng trường, đại chúng như công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (Mapping), công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality - EX, bao gồm thực tế tăng cường AR và thực tế ảo VR - Virtual Reality), thực tế hỗn hợp (MR - Mixed Reality), kết hợp với ngôn ngữ biểu trưng của văn hóa dân gian đã trở thành di sản được thế giới công nhận.
Tâm Anh