Lễ trao tặng sách “Nơi ấy là chiến trường” của tác giả Phạm Quang Nghị
(Chinhphu.vn) - Ngày 22/4, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam phối hợp với T.S Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức Lễ trao tặng sách “Nơi ấy là chiến trường” nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam.

Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam Tô Văn Động phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Minh Thư
Cuốn sách "Nơi ấy là chiến trường" được tác giả Phạm Quang Nghị chia làm 8 phần lớn: Vượt Trường Sơn; Ở "R"; Về miền Đông; Nhịp sống đồng bằng; Người vùng ven; Tây Ninh ngày ấy; Gặp gỡ Sài Gòn; Ngày trở về. Bên cạnh đó còn có các phần phát biểu trước ngày lên đường đi B, lời kết, cùng một số nhận định, cảm nhận của các nhà văn, nhà báo. Phần cuối cuốn sách là một số hình ảnh và tư liệu về những ngày tác giả Phạm Quang Nghị ở chiến trường.
Theo Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam Tô Văn Động: "Cuốn sách "Nơi ấy là chiến trường" là một dấu ấn văn hoá, một hồi ức sống động của tác giả, đồng thời cũng là ký ức chung của cả một thế hệ đã trải qua những ngày tháng chiến tranh đầy khốc liệt. Những trang viết chứa đựng không chỉ ký ức, mà cả những bài học giá trị về lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần vượt khó, để thế hệ hôm nay hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà cha ông để lại".
Bằng giọng văn ghi chép không câu kỳ, không lên gân và rất đỗi chân thực của người chiến sĩ Phạm Quang Nghị đã ghi lại những gì ông thấy, ông biết, ông nghe được trên suốt đọc đường hành quân từ Bắc vô Nam; những gì ông đã trải qua trong những năm tháng sống giữa lòng địch, cùng đồng đội góp phần tổ chức các cuộc đầu tranh du kích của đồng bào miền Đông cũng như miền Tây Nam Bộ theo cách riêng của một người chiến sĩ làm công tác tuyên giáo.
Chiến thắng ấy ngọt ngào biết bao, nhưng ông và đồng đội cũng như nhân dân khắp nơi đã phải đánh đổi bằng biết bao nhiêu máu xương, bao nhiêu nước mát, nhưng không hề có sự bi lụy.

Tác giả Phạm Quang Nghị tặng sách cho các cơ quan, đơn vị. Ảnh: VGP/Minh Thư
Phát biểu tại buổi lễ, tác giả Phạm Quang Nghị đã chia sẻ: "Không ai lại ước muốn chiến tranh quay trở lại để mình được sống lại những kỷ niệm ngày xưa. Nhưng thật may, tôi đã được sống lại những kỷ niệm nhờ vào những trang nhật ký của mình. Những trang nhật ký của tôi ngày ấy không có sự trau chuốt về văn chương. Những dòng chữ được viết ra như những bông hoa sim, hoa mua nở tự nhiên mà tôi bắt gặp trên đường hành quân ra trận. Như những bông sen nở bạt ngàn trên Đồng Tháp Mười, vô tư toả hương, khi bơi xuồng dọc theo các con kênh tôi đã từng đưa tay ra hái. Những trang ghi chép ấy như những cánh hoa còn đọng sương mai mà tôi đã ngắt được để ép vào trong các trang nhật ký của mình…".
Được sự cổ vũ, khích lệ của những người bạn cùng đi B, tôi đã cho xuất bản những ghi chép trong các cuốn nhật ký đến nay giấy đã ố vàng, nhiều trang bị ẩm mốc dính bết vào nhau, bị hư hại, mục nát bởi thời gian, khi tìm lại phải rất nhẹ tay mới gỡ ra được. Sự ra đời của cuốn sách "Nơi ấy là chiến trường" như một sự tình cờ đầy may mắn."

Các đại biểu tặng hoa cho tác giả Phạm Quang Nghị. Ảnh: VGP/Minh Thư
Cuốn sách không chỉ là hồi ức riêng tư của tác giả Phạm Quang Nghị mà còn gói ghém những kỷ niệm chung của một thế hệ đã trải qua những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt, đau thương. Từng trang viết được đan xen giữa những dòng nhật ký ghi lại mỗi ngày của người lính trong điều kiện khắc nghiệt, từ đường hành quân, những ngày yên lặng tiếng súng, đến giữa làn đạn rực sáng trong đêm hay khi cơn sốt rét hành hạ. Qua đó, người đọc có thể cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa cuộc đấu tranh giải phóng đất nước cũng như giá trị thiêng liêng của hòa bình.
Cuốn sách "Nơi ấy là chiến trường" là món quà tri ân của tác giả gửi tặng các địa phương, nơi ông đã từng sống và chiến đấu. Với mong muốn để cho thế hệ trẻ hôm nay biết và cảm nhận sâu sắc về một thời tuổi trẻ hào hùng và bi tráng của thế hệ cha ông, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam phối hợp với tác giả Phạm Quang Nghị trao tặng cuốn sách đặc biệt này cho: Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Cục Văn hoá cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), mỗi tổ chức, đơn vị 500 cuốn sách để tuyên truyền và phổ biến rộng rãi tới các độc giả quan tâm.
Minh Thư