Liên kết chuỗi chăn nuôi, quy hoạch theo vùng để tránh giá cả bấp bênh
(Chinhphu.vn) - Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá gia súc, gia cầm liên tục giảm mạnh, đầu ra bấp bênh khiến người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội gặp không ít khó khăn. Ngành chăn nuôi đang đưa các giải pháp tập trung sản xuất con giống, hợp tác chăn nuôi với các tỉnh, xây dựng liên kết chuỗi để tránh giá cả bấp bênh.
Cụ thể, hộ chăn nuôi của anh Nguyễn Bá Lộc, xã Thanh Bình, một trong những xã chăn nuôi trọng điểm của huyện Chương Mỹ chia sẻ, trung bình mỗi năm gia đình anh Lộc nuôi khoảng 7.000 con gà. Trong hai năm gần đây do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng đầu ra cho sản phẩm gia cầm thì bị chững và xuống giá khiến những người chăn nuôi như gia đình anh Lộc bị thua lỗ, chăn nuôi phải giảm đàn và cầm chừng.
Tại hộ gia đình ông Nguyễn Viết Trực chuyên nuôi gà mía Sơn Tây chia sẻ, với 6.000 gà/ năm, tình trạng đầu ra cho con gà chậm, chủ yếu qua thương lái khiến những người chăn nuôi trong xã đều trong tình cảnh gà thì khó xuất, thức ăn quá cao. Không nuôi thì không có việc, nuôi thì lỗ nặng.
Ông Nguyễn Viết Đô, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ cho biết, hiện toàn xã Thanh Bìnhcó 17.000 con lợn, 45 vạn con gia cầm với 140 trang trại gia súc, gia cầm quy mô từ 2.000 con trở lên. Theo nhận định của những người chăn nuôi chưa có năm nào giá gia súc, gia cầm biến động mạnh và kéo dài như năm nay. Ông Lưu Hữu Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay thị trường đang quá phụ thuộc vào thương lái khiến giá người tiêu dùng vẫn bị cao, trong khi người chăn nuôi thì bán thấp.
Qua thực tế cho thấy, trước thực trạng giá cả gia súc, gia cầm bấp bênh thì việc thắt chặt chi phí đầu tư, cắt giảm đàn, sử dụng phế phẩm nông nghiệp... đang là lựa chọn của nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố hiện nay. Ngoài ra thành phố cũng cần có những giải pháp tổng thể quy hoạch cho chăn nuôi để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tính tới tháng 12/2022, Hà Nội có đàn trâu bò sinh sản là 82.496 con bò, trong đó bò sữa hơn 16.572 con, trâu bò thịt có 84.680 con; đàn lợn 1,64 triệu con; đàn gia cầm hơn 42 triệu con và đàn chó mèo hơn 438.390 con. Ngoài ra, Hà Nội cũng có hơn 1.058 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; số cơ sở buôn bán thú y có 646 cơ sở, giảm 6,6%; 730 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm...
Theo nhận định, ngành chăn nuôi Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa quá nhanh cùng với việc 5 huyện có lộ trình lên quận, đây sẽ là hạn chế việc phát triển chăn nuôi. Cùng với đó mạng lưới giết mổ đã được phê duyệt, quy định rõ nhưng việc triển khai khó khăn do bất cập về cơ chế chính sách, đất đai, thu hút doanh nghiệp.
Vì vậy, để phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững, định hướng chăn nuôi Hà Nội thời gian tới sẽ không tăng số lượng mà chỉ tăng chất lượng; chăn nuôi gắn với phát triển du lịch. Đồng thời quy hoạch theo vùng và công nghệ cao, gắn sơ chế và chế biến sâu; tập trung sản xuất con giống, hợp tác chăn nuôi thương phẩm với các tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm và để chăn nuôi bền vững cũng như chăn nuôi đảm bảo an toàn môi trường và an toàn dịch bệnh; thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, chế biến, giết mổ.
Thiện Tâm