Thúc đẩy hợp tác, tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm chăn nuôi

16/03/2023 2:52 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trước tình trạng giá lợn hơi, gia cầm, con giống đang giảm cũng như tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi còn nhiều hạn chế, ngày 16/3, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy hợp tác công tư trong công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi.

Thúc đẩy hợp tác, tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm chăn nuôi - Ảnh 1.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Nguyễn Đình Đảng, hiện nay Hà Nội đã quy hoạch các vùng chuyên canh, tập trung và trang trại quy mô lớn với 162 xã chăn nuôi trọng điểm. Hiện nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của thành phố khoảng 19.300 tấn/tháng, khả năng đáp ứng 13.700 tấn/tháng (đạt 71%); thịt trâu, bò nhu cầu khoảng 5.370 tấn/tháng, đáp ứng được 1.000 tấn/tháng (đạt 18,6%); thịt gia cầm nhu cầu của thành phố khoảng 6.400 tấn/tháng, nhưng Hà Nội đã sản xuất được 13.500 tấn/tháng...Lượng sản phẩm chăn nuôi còn thiếu được cung ứng bởi các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị đóng trên địa bàn Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu. Ngoài ra, Hà Nội duy trì và phát triển 53 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Trọng Long-Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai), hiện nay giá lợn hơi trên địa bàn thành phố dao động trong khoảng 51.000 đồng/kg, nhưng giá sản xuất lên tới hơn 55.000 đồng/kg. Với con số này, người chăn nuôi đang phải chịu thua lỗ. Bên cạnh đó, các hợp tác xã, trang trại đang gặp khó khăn trong xử lý môi trường chăn nuôi vì chi phí đầu tư lớn.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chữ-Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), hạ tầng thương mại chưa phát triển đồng bộ, nhất là tại các huyện cơ sở hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp nên khó khăn cho công tác phục vụ tiêu dùng thực phẩm. Người dân chưa có thói quen tiêu dùng đối với thịt mát, thịt cấp đông ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi. Các sản phẩm chăn nuôi trong chuỗi còn thiếu những sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao; vấn đề giá cả nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi...

Vì vậy, để ngành chăn nuôi của Thành phố phát triển ổn định, bền vững theo hướng tập trung, quy mô lớn, các đại biểu đều cho rằng, các sở ngành cần tham mưu cho Thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ về thuế, phần mềm truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho chuỗi chăn nuôi. Đồng thời hỗ trợ về chi phí lấy mẫu phân tích nước, đất cho các chuỗi chăn nuôi để giảm chi phí.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoa-Phó phòng quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục mở các điểm bán sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong đó có chăn nuôi để đẩy mạnh khâu tiêu thụ. Đồng thời hướng dẫn các hộ sản xuất liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm chăn nuôi vào kênh phân phối hiện đại.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho thành phố hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn chất lượng, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng. Cùng với đó tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa khối công và khối tư trên địa bàn thành phố; nhất là các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động theo chuỗi nhằm thúc đẩy hợp tác, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần phối hợp với các tỉnh, thành phố tuyên truyền về công tác phát triển chăn nuôi, xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật liên tỉnh, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, quản lý vật tư chăn nuôi (giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...).

Đồng thời, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi an toàn thành chuỗi giá trị bền vững theo chuẩn quốc tế. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương-Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam chia sẻ, để hợp tác công tư trong lĩnh vực chăn nuôi mang lại hiệu quả, các doanh nghiệp cần đi đầu trong đầu tư cơ sở vật chất để mở rộng các mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi trên quy mô lớn; hệ thống thu gom, xử lý, chế biến; tạo kênh tiêu thụ sản phẩm được chế biến từ chất thải nông nghiệp. Nhưng người nông dân là đối tác quan trọng trong mô hình này cần được nâng cao nhận thức, trang bị thêm các kiến thức không chỉ về sản xuất mà còn về sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm để chăn nuôi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Thiện Tâm

Top