Áp dụng công nghệ trong chăn nuôi thủy sản nhằm đạt năng suất cao

17/01/2023 5:15 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2022, tình hình thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển ổn định, trong đó tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 123.108 tấn, tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất thủy sản tăng 2,94% so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Hà Nội có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trong năm 2022, Sở đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn, phối hợp với phòng Kinh tế các huyện xây dựng 1 ha/mô hình/huyện nuôi tôm càng xanh tại Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên và Ba Vì. Đồng thời giám sát, chỉ đạo các mô hình nuôi trong công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh và chất lượng sản phẩm trong quá trình nuôi. Các mô hình đều cho kết quả tốt, năng suất nuôi bán thâm canh đạt 1,5 tấn/ha, thâm canh đạt 2,5 tấn/ha.

Từ đầu năm đến nay tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn Hà Nội phát triển ổn định; diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản năm 2022 ước tính 24.000 ha. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2022 ước đạt 123.108 tấn, tăng 2,94% so với cùng kỳ năm năm 2021 đạt 119.595 tấn. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 121.413 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thủy sản khai thác 1.695 tấn, giảm 5,3 so với cùng kỳ…

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay trên địa bàn thành phố có khoảng 9.700 ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước vào nuôi trồng thủy sản và các mô hình ứng dụng công nghệ biofloc tại huyện Ba Vì, huyện Ứng Hòa, với xu hướng ngày càng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ sinh học để hạn chế thay nước. Qua đó đã giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường và một số mô hình nuôi cá theo công nghệ "sông trong ao nước tĩnh" tại các huyện như: Thanh Trì, Ứng Hòa, Quốc Oai...

Tiêu biểu có một số huyện đã xây dựng dự án phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao như Phú Xuyên (xã Tri Trung, diện tích quy hoạch 122,7 ha, giai đoạn 2021-2030), huyện Ứng Hòa xây dựng đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030". Theo đó nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nuôi tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu thị trường và đạt chuẩn Vietgap.

Với những kết quả đạt được, theo ông Chu Phú Mỹ, trong năm 2023, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời chủ động ứng phó với khí hậu, phòng chống dịch bệnh thủy sản, giám sát môi trường, giám sát an toàn thực phẩm ngay trong quá trình nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, nâng cao thu nhập, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng.

Bên cạnh đó cần rà soát cơ cấu nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh. Khuyến khích nuôi công nghiệp trên cá diện rộng và quy mô nhỏ, áp dụng nuôi thâm canh, công nghệ cao, thực hành nuôi tốt (GAP) theo quy chuẩn; diện tích 24.500 ha, sản lượng 135 nghìn tấn. Hướng dẫn, tổ chức sản xuất thủy sản theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị; hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển các hợp tác xã thủy sản, phát triển các sản phẩm thủy sản chủ lực, các đối tượng thủy đặc sản như: cá chép, cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ, tôm càng xanh, các điêu hồng, cá lăng, ốc nhồi.

Thiện Tâm

Top