Phấn đấu mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24,2 nghìn ha

08/08/2022 5:13 PM

(Chinhphu.vn) - Nhờ việc triển khai nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn và phát triển theo hướng VietGAP nên thời gian qua đã mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần phát triển ngành bền vững và mở rộng quy mô.

Phấn đấu mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24,2 nghìn ha - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá trong lồng ứng dụng công nghệ kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội ước đạt 21,3 nghìn ha (chủ yếu là diện tích nuôi cá), tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã tích cực chuyển đổi, đưa giống cá chất lượng, có năng suất và hiệu quả kinh tế cao như trắm đen, chép giòn, rô phi lai và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản nuôi trồng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 54,9 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 54,2 nghìn tấn, tăng 2,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 676 tấn, giảm 0,7%.

Theo ông Hứa Bá Trình, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì, hiện toàn huyện có khoảng 1.900 ha ao, hồ mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Đồng Thái, Phú Châu, thị trấn Tây Đằng và các xã ven sông Tích… Những năm gần đây nông dân trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh… Theo đó đã nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, bảo đảm đầu ra ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi trồng truyền thống.

Điển hình trên địa bàn huyện có mô hình nuôi cá lồng lăng đen của hộ gia đình anh Phạm Ngọc Thanh (xã Phú Châu). Trước đây, gia đình anh nuôi các loại cá truyền thống nhưng việc tiêu thụ chậm. Nhờ được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ con giống và kỹ thuật, gia đình anh đã chủ động học hỏi cách nuôi cá lăng thương phẩm. Sau gần một năm nuôi cá lăng, cho thu hoạch với thu nhập hơn 100 triệu đồng. Vấn đề đầu ra đã được các đơn vị nhận lo bao tiêu sản phẩm khi cá đạt trọng lượng theo yêu cầu. 

Hay hộ nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Ngọc Khuyên (xã Cẩm Lĩnh) cũng cho kết quả khả quan khi chuyển từ nuôi cá truyền thống sang nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP. Gia đình ông đã chuyển 3,5 ha sang nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP từ năm 2015. Trung bình mỗi năm cho thu hoạch 25 – 30 tấn cá, cá khỏe mạnh ít bị mắc bệnh, thường cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, cao gấp 2 lần so với nuôi cá truyền thống.

Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn cần sự tỉ mỉ, chi tiết trong việc ghi chép nhật ký nuôi trồng nên nhiều người dân chưa kiên nhẫn để duy trì mô hình. Bên cạnh đó, các sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, chưa qua chế biến nên giá trị chưa cao, dẫn đến việc mở rộng diện tích còn khó khăn.

Phấn đấu mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24,2 nghìn ha - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá lồng tại huyện Ba Vì. Ảnh: VGp/Thiện Tâm.

Theo ông Đỗ Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, để thúc đẩy việc nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị của ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nuôi, hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm giảm bớt khâu trung gian, giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời huyện hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm thủy sản vào các kênh phân phối thông qua các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, chợ đầu mối. Hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất theo hướng an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trong năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu Thành phốp tập trung nguồn lực hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về con giống nuôi ngắn ngày, có năng suất cao, như: Cá rô phi đơn tính, cá chép lai. Cùng với đó, Thành phố cũng sẽ hỗ trợ hóa chất, chế phẩm sinh học khử trùng môi trường ao nuôi tại vùng nuôi thủy sản tập trung; tăng cường công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn.

Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp với các huyện tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bán cho siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, từ nay đến cuối năm, ngành sẽ tập trung phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 24.200 ha, nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 122 nghìn tấn, sản lượng khai thác 1,8 nghìn tấn.

Bên cạnh đó, phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, tập trung phát triển tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì, Quốc Oai, Sóc Sơn. Với việc phát triển nuôi các giống: Cá chép lai, cá rô phi đơn tính, trắm cỏ và các loại thủy đặc sản như: trắm đen, cá lăng, diêu hồng, tôm càng xanh...

Thiện Tâm

Top