Liên kết, hợp tác để phát triển sản phẩm làng nghề Thủ đô

24/11/2022 11:10 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với việc tập trung nguồn lực, tận dụng thế mạnh của mình để tạo nên những sản phẩm truyền thống, bảo đảm chất lượng,…thì sự liên kết, hợp tác sản xuất phát triển sản phẩm là con đường tốt nhất để khắc phục những yếu điểm của các làng nghề.

Liên kết, hợp tác để phát triển sản phẩm làng nghề Thủ đô - Ảnh 1.

Tăng cường liên kết giữa các sản phẩm làng nghề. Ảnh: VPG/DA

Vẫn còn nhiều khó khăn

Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Đặc biệt, các làng nghề Hà Nội hội tụ tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Đã có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người thợ thủ công mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Theo thống kê, tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Cùng với doanh thu lớn, sự phát triển của các làng nghề cũng giúp cải thiện thu nhập cho người lao động. Con số này hiện đạt bình quân 5-6 triệu đồng/người. Mức thu nhập này nhìn chung còn thấp và không đồng đều nhưng vẫn cao hơn so với lao động thuần nông. Cá biệt lao động làng nghề tại một số quận, huyện đạt từ 60 triệu đồng/người/năm như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất…

Tuy nhiên, các làng nghề Hà Nội vẫn đứng trước nhiều khó khăn, như quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ lạc hậu; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng trong lúc yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; nhiều làng nghề còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Mới đây chia sẻ tại hội nghị hợp tác phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết, hiện nay các làng nghề vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, ví dụ như làng nghề Vạn Phúc gặp khó khăn khi nhập các nguyên liệu tuy phần lớn các nguyên liệu được nhập tại Việt Nam nhưng giá thành lại của nước ngoài.

"Bởi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng nhập các nguyên liệu từ Việt Nam nên cơ sở sản xuất nguyên liệu cũng bán giá cho chúng tôi theo giá nước ngoài. Đây là một điều thiệt thòi với làng nghề như chúng tôi", Phạm Khắc Hà nói.

Tăng cường hợp tác giữa các làng nghề

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa cho rằng, để sản phẩm làng nghề phát triển bền vững, cần tập trung giải quyết một số vấn đề căn bản như xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.

Bên cạnh đó, nếu có sự hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm giữa các làng nghề vốn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì hiệu quả sẽ cao hơn. Từ đó, vùng nguyên liệu tập trung (gỗ, tre, nứa, song mây, nguyên liệu gốm...) phải được xây dựng ở những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp. Chuỗi giá trị của các sản phẩm làng nghề cần được phân bổ đồng đều và công bằng giữa các làng nghề có điều kiện tự nhiên, dân số và kinh tế khác nhau.

 "Hợp tác để phát triển sản phẩm là con đường tốt nhất để khắc phục những yếu điểm của sản xuất làng nghề. Tập trung nguồn lực, tận dụng thế mạnh của mỗi địa phương để tạo nên những sản phẩm truyền thống, ứng dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm... Những sự liên kết, hợp tác sản xuất này chắc chắn sẽ góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề một cách bền vững", ông Tôn Gia Hóa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, ông Phạm Khắc Hà cho hay: "Chúng ta cần hợp tác liên kết nhiều làng nghề với nhau để phát triển được các tour du lịch làng nghề nhằm tạo được sự hấp dẫn thu hút khách du lịch bởi vì khách du lịch rất thích tham quan và trải nghiệm cuộc sống tại các làng nghề".

Đồng thời, cần phát triển liên kết giữa các làng nghề trao đổi sản phẩm, ví dụ sản phẩm về lụa của chúng tôi thì có thể liên kết với các đơn vị sản xuất áo, quà tặng… Đây là một cách giải quyết tiêu thụ sản phẩm trong nước và còn có cơ hội sản xuất ra nước ngoài.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp làng nghề, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các làng nghề về việc giữ nghề, nâng cao được giá trị làng nghề, về kĩ thuật và máy móc thiết bị.

Ngoài ra, Bộ đã làm việc với các đơn vị siêu thị lớn có những không gian rất rộng, vào mỗi dịp cuối tuần sẽ dành một khoảng không gian để trưng bày các sản phẩm của các làng nghề nhằm giúp sản phẩm của các làng nghề được tiếp cần với người tiêu dùng nhiều hơn nữa…

Diệu Anh

Top