Tạo dấu ấn cho thương hiệu làng nghề

18/11/2022 10:34 PM

(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ "Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022", chiều 18/11, tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) đã tổ chức Tọa đàm "Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề".

Để tạo dấu ấn cho thương hiệu làng nghề - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Ảnh: VGP/Minh Anh

Tham dự toạ đàm có các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia nghiên cứu, nhà thiết kế, trường đại học liên quan đến lĩnh vực thiết kế cùng  đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề...

Hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiết kế để phát triển bền vững làng nghề

Tại toạ đàm, các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, lĩnh vực du lịch, đại diện doanh nghiệp kinh doanh hoàng thủ công mỹ nghệ và các nhà quản lý đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm liên quan đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề, đưa yếu tố thiết kế sáng tạo vào sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hợp tác thiết kế để phát triển du lịch làng nghề hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiết kế để phát triển bền vững làng nghề Hà Nội…

Hà Nội được mệnh danh là "mảnh đất trăm nghề" với 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% tổng số cả nước). Trong đó có hơn 60% làng nghề thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Những năm qua, Hà Nội đã thu hút 1 lượng khách du lịch đến thăm quan các làng nghề như: Làng lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Chái, nón Chuông...

Theo Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người dân ở làng nghề vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của cha ông như là "kế sinh nhai" vững bền; tác tạo ra những sản phẩm gốm sứ vô cùng tinh xảo, đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu đời sống của các tầng lớp nhân dân trong nước và xuất khẩu; đã và đang là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.

Tuy nhiên, công tác quản lý làng nghề còn có nhiều chồng chéo, chưa nhận được sự quan tâm sâu sát để có định hướng, quy hoạch chung. Bởi vậy, các làng nghề vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tìm nguồn ra. Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nhiều bất cập, đặc biệt là về giao thông, vấn đề đảm bảo môi trường bền vững. Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn kém do thiếu vốn và các hộ ở xen trong các khu dân cư, quy mô sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp. Chất lượng sản phẩm làng nghề chưa cao. Sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa đặc sắc, ít độ tinh xảo, thiếu tính hấp dẫn...

Hà Nội cần có một Trung tâm thiết kế chuyên nghiệp tập trung tinh hoa

Để tạo dấu ấn cho thương hiệu làng nghề - Ảnh 2.

Ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ câu chuyện về ứng dựng số và giá trị của đầu tư cho thiết kế giúp gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề. Ảnh: VGP/Minh Anh

Ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Hội đồng Anh, thiết kế sáng tạo đem lại giá trị bằng 1,25 lần so với những gì chúng ta đầu tư.

Hiện nay, các sản phẩm tại các làng nghề thủ công còn thiếu sự đầu tư sáng tạo, thiếu hạ tầng cho thiết kế. Hạ tầng mà ông Ngọc nói đến chính là một Trung tâm thiết kế chuyên nghiệp, nơi hội tụ những tinh túy nhất của làng nghề Hà Nội. Nơi có thể phát huy và khơi dậy tinh thần sáng tạo của nghệ nhân và các thế hệ nối nghề. Cũng theo ông Lê Bá Ngọc, Trung tâm nay được đầu tư bỏi chính quyền và sẽ là điểm đến cho khách du lịch, một hạ tầng thiết kế không thể thiếu để phát triển làng nghề với trang bị được đầu tư phục vụ cho việc trưng bày những tác phẩm sáng tạo độc đáo của các làng nghề, hỗ trợ thực hiện những ý tưởng sáng tạo được hỗ trợ, được nâng đỡ và được chia sẻ.

Cũng theo ông Ngọc, chuyển đổi số mang đến những trải nghiệm khác biệt và rất thú vị trong mua sắm; Đồng thời giảm những tác động tiêu cực. Vì vậy, ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch làng nghề.

Tại cuộc tọa đàm, đa số các ý kiến đều cho rằng, trong tình hình hiện nay, để tạo dấu ấn cho thương hiệu làng nghề, bên cạnh một sản phẩm tốt, cần tập trung cải tiến về mẫu mã, thiết kế sáng tạo; nâng cao và đảm bảo độ ổn định của chất lượng; có bao bì phù hợp, độc đáo..

Đồng thời việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều giá trị như: quảng bá hình ảnh, sản phẩm làng nghề đến với nhiều khách hơn với chi phí tiết kiệm nhất; quảng bá sản phẩm sống động nhất; quản lý làng nghề trực quan nhất.

Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch làng nghề đạt hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Cần hoàn thiện bản đồ du lịch làng nghề Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các du khách dễ dàng tra cứu điểm đến.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch TP. Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, Thủ đô Hà Nội từ lâu được biết đến là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt Nam. 

Đặc biệt, sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thì làng nghề Việt Nam càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế của làng nghề nói chung cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói riêng, góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.  

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, Tọa đàm đã nhận được sự chia sẻ từ các chuyên gia, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề về khó khăn và giải pháp trong việc phát triển sản phẩm làng nghề Việt thúc đẩy du lịch Thủ đô, từ đó tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, đưa những giá trị tiêu biểu về nghệ thuật tại các làng nghề đến với người dân, đặc biệt là khách du lịch trong nước và quốc tế".

Minh Anh

Top