Liên kết phát triển ngành Công Thương các địa phương
(Chinhphu.vn) - Hoạt động liên kết ngành Công Thương giữa 28 địa phương phía Bắc ngày một tăng cường, đóng góp quan trọng vào phát triển của ngành. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục liên kết, hỗ trợ để cùng phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.
Sáng 17/5, được sự đồng ý của Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công Thương địa phương tổ chức hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024 tại Hà Nội.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì.
25/28 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024 mặc dù bối cảnh cho phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự điều hành linh hoạt của Bộ, sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung.
Đáng nói, 25/28 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương so với cùng kỳ; 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Một số trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội…
Song song với công nghiệp, thương mại trong và ngoài nước của các địa phương trong khu vực cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.
Cùng đó, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Công Thương của các địa phương khu vực phía Bắc cũng đã được triển khai thông suốt, đạt hiệu quả, đóng góp vào sức tăng trưởng khả quan của ngành trong 6 tháng đầu năm…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, năm 2024 được xác định là năm bứt phá, bản lề của cả nước. Các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đồng hành cùng các địa phương, thời gian qua Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành và đạt nhiều hiệu quả thiết thực.
Kể từ sau Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX, năm 2023 tại Quảng Ninh, hoạt động liên kết giữa các địa phương ngày một tăng cường. Từ đó, đóng góp tích cực ngày một quan trọng vào kết quả tăng trưởng của ngành, kết quả này cần được phát huy trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay, những năm vừa qua, ngành Công Thương đã và đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng và chiếm tỷ trọng khá trong cơ cấu chung của cả nước.
Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các địa phương còn lớn, sự phối hợp chưa thường xuyên, nhuần nhuyễn để tận dụng thế mạnh của vùng, công tác liên kết kết nối vùng, khu vực để phát triển đồng bộ các lĩnh vực của ngành còn hạn chế, cơ chế chính sách của các địa phương cũng có sự khác nhau, việc phối hợp liên kết chưa thường xuyên và thiếu chiều sâu; chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng ...
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng, đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi trước hết là sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 28 tỉnh, thành phố trong khu vực.
Từ đó, tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tác của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực; liên kết hoạt động và hỗ trợ để cùng phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh hết sức khốc liệt.
"TP. Hà Nội sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để ngành Công Thương phát triển, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành đề ra và phát huy tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", tăng cường kết nối, hợp tác, hỗ trợ ngành Công Thương cả nước phát triển", Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định.
Cần tăng cường liên kết, hợp tác có hiệu quả
Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương các địa phương đã tham luận, thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương; kiến nghị đề xuất những chế độ chính sách liên quan và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong các lĩnh vực như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này...
Đồng thời, bàn thảo phương thức, cơ chế, các giải pháp và định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển ngành Công Thương giữa các địa phương trong thời gian tới; đề xuất cơ chế phối hợp triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch giữa các địa phương; đồng thời tiếp xúc, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành của địa phương...
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về các hoạt động tiết kiệm điện năng thời gian qua ở tỉnh Quảng Ninh góp phần vào việc tiết kiệm điện của toàn quốc. Để tăng cường các hoạt động bảo đảm an toàn lưới điện trong tình trạng nắng nóng kéo dài trong năm 2024, Sở Công Thương Quảng Ninh đề xuất các giải pháp như sớm ban hành cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các địa phương.
Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đề nghị, Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Công nghiệp hỗ trợ và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Chia sẻ một số giải pháp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chính được Chính phủ giao cho ngành Công Thương trong các tháng còn lại năm 2024 và các năm tiếp theo, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, cần tập trung triển khai các quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt; các địa phương phối hợp chặt chẽ trong trong xây dựng và triển khai quy hoạch vùng tỉnh, phát huy lợi thế của từng địa phương gắn kết sự phát triển đồng đều, nhất là các tỉnh có địa bàn giáp ranh, cần có cơ chế chính sách đông bộ trong phát triển các hạ tầng thương mại, công nghiệp, kết nối logistics...
Các Sở phải đề xuất các nội dung hợp tác cụ thể để tăng cường liên kết hợp tác có hiệu quả; phối hợp với Hà Nội để có thị trường tiêu thụ bền vững; phối hợp với các tỉnh có cửa khẩu để thúc đẩy xuất khẩu; phối hợp kết nối logictics; thương mại điện tử; phối hợp học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với các tỉnh, thành phố lớn có sự va đập chính sách mạnh mẽ tác động vào hoạt động của ngành hoặc các mô hình tiêu biểu...
Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ngành Công Thương từng bước thiết lập hệ thống sản xuất - kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chú trọng chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu suất lao động toàn ngành…
Nhân dịp này, để tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp và thúc đẩy mọi hoạt động của Ngành đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XI, năm 2025 cho Sở Công Thương Hà Giang.
Thùy Linh