Liên kết, thúc đẩy công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc
(Chinhphu.vn) - Ngày 16/5, tai Bảo tàng Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII-năm 2024.
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai kế hoạch khuyến công năm 2024; tháo gỡ khó khăn, có cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác khuyến công thuộc Sở Công Thương trên địa bàn các tỉnh, thành phố phát huy lợi thế. Đồng thời, xây dựng, định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển lĩnh vực khuyến công giữa các địa phương trong tương lai.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương cho hay, sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm tăng tốt và tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển vẫn còn những thách thức, Chính phủ ban hành nhiều chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, trong đó khuyến công tiếp tục là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp nông thôn nói riêng.
"Năm 2024 là năm tăng tốc Chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025, để hoàn thành mục tiêu chương trình; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác khuyến công, các địa phương tập trung đánh giá tác động của công tác khuyến công trên địa bàn, nêu những khó khăn và giải pháp hoàn thành Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó có khó khăn về chính sách", ông Dương Quốc Trịnh đề nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác khuyến công, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết hợp tác bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, đề ra các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khuyến công tại các địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, đánh giá thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực khuyến công, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề tại địa phương; đánh giá lại mô hình tổ chức bộ máy khuyến công các tỉnh, thành phố để đề xuất, các cơ quan có thẩm quyền ban hành thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, lĩnh vực công nghiệp nông thôn không những thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố nói chung mà còn tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập của người dân.
Qua 10 năm tổ chức triển khai thực hiện công tác khuyến công của Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, đã đào tạo 625 lớp truyền nghề, nâng cao tay nghề cho gần 22 nghìn lao động nông thôn, 16 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 800 lao động các tỉnh miền núi phía Bắc; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở nông thông; hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...từ đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư kinh phí để thực hiện các nội dung nhằm đẩy mạnh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác khuyến công, Sở Công Thương Hà Nội cũng gặp một số khó khăn như cơ chế, chính sách cho chương trình còn chưa cao; một số cơ sở sản xuất năng lực còn hạn chế, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, chuyển đổi số, cải tiến mẫu mã, bao bì còn chưa cao...
Qua kinh nghiệm Sở Công Thương Hà Nội cho thấy. việc xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch khuyến công phải được phân công, phân cấp cụ thể cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc thực hiện hoạt động khuyến công; nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động khuyến công; hằng năm ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình khuyến công bám sát nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn và khả năng cân đối ngân sách; thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các cơ chế chính sách của Thành phố trong lĩnh vực công thương...
Kiến nghị làm tốt công tác khuyến công thời gian tới, đại diện Sở Công Thương Hà Nam cho hay, cần triển khai bám sát các quy định hiện có của nhà nước về khuyến công; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện tốt hoạt động khuyến công; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn để hoàn thành đề án khuyến công đúng tiến độ…
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, từ đầu năm đến nay ngành công thương đã hỗ trợ các tỉnh, thành giúp 57 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 11 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Đồng thời, hỗ trợ được 701 gian hàng tiêu chuẩn cho gần 300 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm trong nước.
Ngoài ra, tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 245 lượt cơ sở; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và trưng bầy quảng bá sản phẩm cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó ngành công thương đã tư vấn phát triển công nghiệp cho 62 dự án, với doanh thu đạt 4,87 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch năm, đạt 153,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đồng thời, các địa phương đã hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý.
Theo báo cáo từ Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024 được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 170,8 tỷ đồng, thấp hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2023 (186,5 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm 2024, kinh phí toàn vùng ước thực hiện ước đạt 34,7 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch năm, cao hơn 10,25% so với cùng kỳ.
Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn luôn là nội dung trọng điểm, được các địa phương ưu tiên triển khai.
Theo kế hoạch năm 2024, các địa phương trong khu vực sẽ hỗ trợ xây dựng 13 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới và mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 324 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 35 cơ sở công nghiệp nông thôn. Tổng kinh phí hỗ trợ là 98,1 tỷ đồng...
Thùy Linh