Liên kết tiêu thụ nâng cao giá trị rau an toàn

25/10/2022 8:06 AM

(Chinhphu.vn) - Việc đẩy mạnh liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đã giúp HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) nâng cao được giá trị sản phẩm rau an toàn, từ đó cũng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Liên kết tiêu thụ nâng cao giá trị rau an toàn - Ảnh 1.

Vùng sản xuất rau an toàn tại huyện Thường Tín. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, việc liên kết chuỗi đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho không chỉ doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh. Hiện thành phố có 145 chuỗi liên kết đang hoạt động, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Trong đó có nhiều mô hình điển hình như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu cháy của Hợp tác xã Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và Bưởi diễn của Hợp Tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến…

Hay điển hình là chuỗi liên kết của HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX cho biết, xã Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm, là một xã ở ngoài đê sông Hồng được phù sa bồi đắp vì vậy rất phù hợp cho sản xuất rau, màu các loại. Với tổng diện tích sản xuất hơn 300 ha, trong đó trồng rau là 250 ha, hơn 1.000 hộ thành viên tham gia sản xuất. Với sản lượng hằng năm đạt hơn 30.000 tấn rau ăn lá, củ, quả các loại. Vì vậy việc quản lý tuyên truyền, chỉ đạo sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm thương hiệu rau Văn Đức, liên kết tiêu thụ là vô cùng quan trọng trong sản xuất của nông dân. Xác định được điều đó, HTX đã phối hợp cùng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cán bộ chi cục Bảo vệ thực vật hàng ngày giám sát hướng dẫn chỉ đạo nông dân sản xuất.

Qua việc vận động, tuyên truyền, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn, nông dân đã thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện tốt quy trình sản xuất rau an toàn, giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất để đảm bảo chất lượng cho rau an toàn. Qua đó đã tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, các thương lái và người tiêu dùng, sản phẩm cũng nhờ vậy bán được dễ hơn, giá cao hơn với thị trường các địa phương khác cùng trồng rau từ 15 đến 20%. Bên cạnh đó, môi trường sản xuất và môi trường sống xung quanh cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên.

Để đảm bảo việc sản xuất, tiêu thụ rau an toàn của nông dân mang tính ổn định, HTX đã chủ động liên kết với một số công ty, hệ thống siêu thị, các thương lái, hàng năm ký hợp đồng tiêu thụ như: Hệ thống siêu thị Aeon, MM Mega, BigC, các công ty kinh doanh thực phẩm đưa vào bếp ăn .... Cùng với đó HTX tổ chức các buổi thăm quan cho các khách hàng tiêu thụ rau cho nông dân mua thông qua các siêu thị, công ty để họ biết được về quy trình sản xuất của nông dân về nguồn, chất lượng sản phẩm rau cung cấp cho họ, qua thăm quan thực tế khách hàng đều đánh giá về quy trình sản xuất của nông dân công khai minh bạch thông qua sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng và giám sát thực tế của các tổ nhóm, qua đó chất lượng rau của nông dân được đảm bảo đúng như đã cam kết với khách hàng.

Trong quá trình liên kết với các siêu thị, công ty, HTX chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, chủ động diện tích các loại cây trồng đảm bảo đa dạng hóa các sản phẩm cũng như sản lượng, chất lượng cung cấp đầu ra, hai bên đều phải có trách nhiệm giám sát từ khi gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch. Qua giám sát lấy mẫu rau đi phân tích rau của nông dân đều đảm bảo đúng chất lượng. Tuy nhiên, để ràng buộc trách nhiệm giữa siêu thị và Công ty với HTX và nông dân. Nếu để xảy ra mất an toàn thực phẩm thì HTX, nông dân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cả về tài chính và pháp luật. Theo ông Nguyễn Văn Minh, qua việc phối hợp, liên kết dám chịu trách nhiệm sản phẩm cung cấp đầu ra nên đã tạo ra được uy tín với khách hàng. Vì vậy HTX và nông dân yên tâm sản xuất, hằng năm sản phẩm cung cấp cho các hệ thống từ 2.000 đến 3.000 tấn rau các loại. Đồng thời cho thu nhập ổn định, hạn chế được rủi ro khi được mùa mất giá.

Về đẩy mạnh thương hiệu rau an toàn và chương trình mỗi xã một sản phẩm-OCOP, thế mạnh của địa phương là một xã chuyên canh sản xuất rau lâu đời, sử dụng vật tư, giống sẵn có của địa phương để sản xuất. Ngoài ra HTX cũng công khai, minh bạch quy trình sản xuất rau an toàn, VietGAP từ khi gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản… Qua đó khách hàng, người tiêu dùng khi theo dõi và truy cập vào phần mềm, tem truy xuất đều nắm được các thông tin trong quá trình sản xuất, khách hàng từ đó cũng có sự tin tưởng, yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Với những nỗ lực và phát triển từ thế mạnh, chất lượng và thương hiệu, năm 2019, HTX đã có 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP là: Cải bắp, cải thảo, lơ xanh, lơ trắng, mướp đắng, đậu cô ve, cải ngọt. Năm 2020, HTX tiếp tục tham gia OCOP với 10 sản phẩm, qua chấm điểm phân hạng đã có 5 sản phẩm 4 sao và 5 sản phẩm 3 sao. Đây là một sự lỗ lực cố gắng của HTX trong quá trình sản xuất để tạo ra được những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, giới thiệu cho khách hàng và người tiêu dùng biết đến các sản phẩm truyền thống có tiêu chuẩn chất lượng cao, cạnh tranh được với thị trường trong nước. Đặc biệt, các sản phẩm của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và Hàn Quốc, mỗi năm từ 300 đến 500 tấn, với giá tăng hơn thị trường trong nước từ 20%. "Đây là hướng đi rất đúng, trúng với tình hình sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, giúp nông dân tiêu thụ đầu ra ổn định yên tâm sản xuất.',  ông Minh cho biết thêm.

Liên kết tiêu thụ nâng cao giá trị rau an toàn - Ảnh 2.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn TP. Hà Nội đã phát triển hiệu quả nhờ thực hiện liên kết, tiêu thụ theo chuỗi. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn vẫn còn gặp khó khăn, do việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước về sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nhằm quản lý minh bạch trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm, cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu còn bất cập. Vì vậy HTX và nông dân chưa tiếp cận, hưởng lợi từ các chính sách đó của nhà nước.

Ngoài ra, công tác quản lý thị trường còn hạn chế nên việc rau an toàn, không an toàn tham gia thị trường lẫn lộn làm người tiêu dùng khó phân biệt. Từ đó dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến các địa phương sản xuất đảm bảo chất lượng phải cạnh tranh.

Vì vậy, theo Giám đốc HTX rau an toàn Văn Đức Nguyễn Văn Minh, để bảo đảm liên kết, tiêu thụ rau an toàn hiệu quả cần tăng cường quản lý chặt chẽ, sản phẩm rau phải có xuất xứ nguồn gốc rõ rang mới cho bán trên thị trường để đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

Đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết tham gia vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho HTX và nông dân. Có chính sách giao đất, cho thuê theo giá quy định của nhà nước không phải đấu thầu để các HTX đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao.

Thiện Tâm

Top