Linh hoạt triển khai các mô hình phòng cháy, chữa cháy

27/02/2023 1:39 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 27/2, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) cho cộng đồng trên địa bàn Thành phố.

Linh hoạt triển khai các mô hình phòng cháy, chữa cháy - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/ĐL

Tại hội nghị, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND. Trong đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC & CNCH; nắm chắc được cách thức sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu, phương pháp, kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đầu, kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị các phương tiện chữa cháy, CNCH; phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện cứu nạn cần thiết (xà beng, kìm cộng lực, mặt nạ lọc độc, đèn pin…).

Kế hoạch yêu cầu duy trì, xây dựng, nhân rộng mô hình toàn dân tham gia PCCC & CNCH. Trong đó, mô hình phải triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động đồng bộ theo chỉ tiêu của Bộ Công an (hoàn thành trước ngày 20/6/2023) gồm: Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng. Còn mô hình triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương (hoàn thành trước ngày 15/12/2023) gồm: Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC; cụm liên kết làng nghề an toàn; cụm liên kết an toàn trong Khu/Cụm công nghiệp; cụm liên kết an toàn PCCC rừng.

Đại tá Dương Đức Hải cho biết, kế hoạch đặt ra lộ trình thời gian thực hiện, trong đó trước ngày 30/3 phải hoàn thành công tác điều tra cơ bản, lập danh sách các mô hình và địa bàn triển khai thực hiện. Trước ngày 30/4 tổ chức tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ về PCCC & CNCH, vận động 100% hộ gia đình tự trang bị phương tiện PCCC & CNCH. Trước ngày 20/6 hoàn thành việc triển khai thực hiện nhân rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy" và "Điểm chữa cháy công cộng" trên toàn địa bàn quản lý.

Trong đó, phải hoàn thành xong trước ngày 28/2 việc tổ chức khảo sát, thống kê, lập danh sách các hộ gia đình, hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ liền kề; các khu phố trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư (hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ, tập thể cũ,...); các ngõ, ngách, hẻm sâu có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được; cơ sở trong khu, cụm công nghiệp; địa bàn có rừng.

Trước ngày 30/3, phải bảo đảm 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ và liền kề nhau phải tham gia Tổ liên gia an toàn PCCC. Mỗi hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh có ít nhất 1 người đã tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về PCCC & CNCH; 100% các ngõ, hẻm sâu tập có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được phải bố trí "Điểm chữa cháy công cộng" theo đúng tiêu chí…

Vận động 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên mở lối thoát nạn thứ 2, đồng thời vận động mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, 1 dụng cụ phá dỡ; cá nhân, thành viên trong hộ gia đình biết cách sử dụng phương tiện PCCC và CNCH ban đầu. Ít nhất 20% dân số trên địa bàn quản lý đã cài đặt App báo cháy 114, quan tâm tài khoản Zalo của Cục Cảnh sát PCCC & CNCH - Bộ Công an. Hoàn thành xong trước ngày 15/12/2023.

Căn cứ vào đặc điểm của từng địa bàn, khu dân cư, loại hình cơ sở để lựa chọn triển khai 4 mô hình còn lại cho phù hợp với đặc điểm, tính chất nguy hiểm cháy nổ trên địa bàn, tránh để sót lọt đối tượng thuộc diện xây dựng mô hình mà không tham gia mô hình theo đúng tiêu chí. Hoàn thành xong trước ngày 15/12.

Trước ngày 15/12/2023, hoàn thành xong việc tăng tỷ lệ cá nhân tình nguyện tham gia hoạt động PCCC & CNCH trên địa bàn: Số cá nhân tình nguyện, đăng ký tham gia hoạt động PCCC & CNCH đạt 2% so với tổng số hộ gia đình trên địa bàn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn biểu dương các đơn vị, địa phương nhiều năm không để xảy ra cháy nổ lớn và yêu cầu các địa phương phải bám sát tiến độ của Kế hoạch để thực hiện hiệu quả, đặc biệt là trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy để triển khai phương án "4 tại chỗ" trong PCCC. Đối với những địa bàn có các ngõ hẹp thì cần có các "Điểm chữa cháy công cộng" để hỗ trợ công tác này.

Linh hoạt triển khai các mô hình phòng cháy, chữa cháy - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/ĐL

Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh tầm quan trọng sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính trị ở địa phương, trong đó người đứng đầu cần nêu gương trong triển khai thực hiện kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát để khắc phục ngay những bất cập từ thực tiễn. Cùng với đó, cần huy động sự tham gia và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự thành công của kế hoạch.

Đối với chính quyền địa phương, đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của Bí thư chi bộ trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân ở địa bàn dân cư thực hiện tốt công tác PCCC.

Đối với Công an TP. Hà Nội phải phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền công tác PCCC trong hệ thống giáo dục đào tạo của Thành phố để các em học sinh cũng hiểu cách PCCC và thoát nạn khi có xảy ra cháy nổ…

Diệu Anh

Top