Luật Thủ đô 2024: Mở ra ‘cánh cửa’ phát triển đường sắt đô thị

26/11/2024 10:42 AM

(Chinhphu.vn) - Luật Thủ đô 2024 sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù.

Luật Thủ đô 2024: Mở ra ‘cánh cửa’ phát triển đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Đường sắt đô thị là "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho biết, theo kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hà Nội và TPHCM phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm. Đến năm 2035, mỗi thành phố hoàn thành 200 km đường sắt đô thị.

Xác định đường sắt đô thị là "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, trong tờ trình Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành thi công xây dựng 96,8km; đến năm 2035 hoàn thành 301km và đến năm 2045 hoàn thành đầu tư xây dựng 196,2km.

Sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư khoảng 55,442 tỷ USD, trong đó giai đoạn đến năm 2030 khoảng 16,208 tỷ USD; giai đoạn đến năm 2035 khoảng 20,966 tỷ USD; giai đoạn đến năm 2045 khoảng 18,268 tỷ USD.

Có thể khẳng định, đây là một thách thức rất lớn bởi sau nhiều năm nỗ lực triển khai đầu tư, đến thời điểm này, Hà Nội mới chỉ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13km và đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội dài 8,5km hoạt động…

Thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy có rất nhiều bất cập. Bên cạnh vấn đề chậm tiến độ, các dự án còn bị đội vốn do phát sinh chi phí và khiếu nại của các nhà thầu làm tổng mức đầu tư tăng cao.

"Các tuyến đường sắt đô thị hiện nay (bao gồm các tuyến trong quy hoạch và các tuyến đã đưa vào khai thác) còn thiếu tính gắn kết với việc tái cấu trúc không gian đô thị, thiếu tính liên thông, kết nối với chính hệ thống giao thông; khó khăn trong việc tiếp cận các nhà ga cũng làm giảm đáng kể hiệu quả khai thác của loại hình giao thông vận tải khối lượng lớn này", Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết.

Để đạt mục tiêu trên, ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh: "Bắt buộc phải phát triển mô hình TOD". Bởi lẽ, theo chuyên gia này phân tích, mô hình TOD là phát triển đô thị theo sự dẫn dắt của giao thông công cộng, tức giao thông đi đến đâu, đô thị phát triển đến đó.

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa thông qua quy định một số nội dung lớn có tính nguyên tắc làm cơ sở để thành phố Hà Nội có thể phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.

Tạo đột phá trong phát triển đường sắt đô thị

Giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, trong đó hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục "xương sống" của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông...

Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 điều chỉnh và bổ sung thêm nhiều chính sách đột phá mạnh mẽ cho TP. Hà Nội ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô tạo đột phá trong phát triển đường sắt đô thị.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, Luật Thủ đô 2024 sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù.

Về hành lang pháp lý, Luật Thủ đô 2024 dành riêng Điều 31 để quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bao gồm các nội dung như quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD, đầu tư phát triển đường sắt đô thị và các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Điều này giúp tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho các dự án đường sắt đô thị.

Theo Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh, phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) không chỉ là một giải pháp quy hoạch hiện đại, mà còn là chiến lược chủ đạo để thúc đẩy sự phát triển năng động, bền vững. TOD sẽ giúp đô thị tận dụng tối đa hệ thống giao thông công cộng hiện tại và tương lai cùng lượng người sử dụng lớn, không chỉ bảo đảm khả năng di chuyển bền vững, mà còn tối ưu hóa việc sử dụng đất đai.

Hà Nội với vai trò là Thủ đô và trung tâm kinh tế-văn hóa của cả nước, đang đứng trước một cơ hội lịch sử để triển khai TOD trong chiến lược phát triển đô thị dài hạn. Chính sách này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải và cải thiện chất lượng không gian công cộng.

TOD còn là chìa khóa để khai thác tiềm năng kinh tế, gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế mới; tạo điều kiện phát triển và tái tạo các khu vực trọng điểm trong TP thông qua việc tăng cường sử dụng đất và hoạt động đô thị có kế hoạch, đồng thời nâng cấp hạ tầng công cộng.

Đáng chú ý, Luật Thủ đô 2024 cho phép UBND thành phố Hà Nội có quyền quyết định các cơ chế, công cụ về quy hoạch và đầu tư mà không cần phải thông qua nhiều cấp, giúp rút ngắn thời gian và tăng tính chủ động trong việc triển khai các dự án.

Cụ thể, trong luật có một số đột phá lớn như cho phép Thủ đô được quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho hay, các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đề cập trong Luật Thủ đô 2024 thực sự là những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai của ngành Giao thông vận tải cũng như khắc phục các tồn tại của Luật Thủ đô trước đây.

Diệu Anh

Top