Luật Thủ đô (sửa đổi): Chú trọng giải pháp phát triển giao thông, đô thị

02/08/2023 12:18 PM

(Chinhphu.vn) - Việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất, giúp TP. Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách, tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị, nhà ở…

Luật Thủ đô (sửa đổi): Chú trọng giải pháp phát triển giao thông, đô thị - Ảnh 1.

Cần ưu tiên chính sách phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Ảnh: VGP/DA

Cần ưu tiên chính sách phát triển hạ tầng giao thông

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2013. Sau gần 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của TP. Hà Nội.

Một số thành tựu Thủ đô Hà Nội đạt được từ cơ sở hành lang pháp lý mà Luật Thủ đô hiện hành đã tạo ra như: Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế-xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Cảnh quan kiến trúc hai bên đường trên một số tuyến phố thực hiện thí điểm đã được chỉnh trang sạch đẹp; Nhiều dự án khu đô thị mang tầm vóc của đô thị hiện đại đang dần hiện hữu. Hà Nội đang dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.

Tuy nhiên, qua gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm; Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư…

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải, hiện có nhiều yêu cầu phát triển chính đối với hệ thống giao thông vận tải của Thủ đô như: Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai; phân quyền cho HĐND TP. Hà Nội quy định chính sách ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô…

Để triển khai được các định hướng trên, trước hết, TP. Hà Nội  phải giảm khối lượng giao thông ở khu vực nội thành. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trong đô thị, trong đó định hướng chung là phát triển hệ thống giao thông công cộng sức chứa lớn, với cốt lõi là hệ thống đường sắt đô thị, buýt, BRT; giảm phương tiện cá nhân…

Trong đó, cấp bách là nhu cầu xây dựng nhanh, hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị; Luật hóa những chính sách hỗ trợ người đi bộ, người xe đạp và người khuyết tật trong giao thông đô thị.

Đặc biệt, Thành phố cần hoàn thiện cơ chế tài chính huy động được các nguồn lực trong nước, ngoài nước, Nhà nước, xã hội hóa đầu tư cho các dự án giao thông và cơ chế thực hiện các dự án giao thông đặc thù cho Thủ đô…

Do đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô…

Cần dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê hoặc bán trả góp

Khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Việt Nam cho rằng, qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô cho thấy đạt được những dấu ấn khá toàn diện trong phát huy vai trò vị thế Thủ đô, cả với vùng và cả nước. Tuy nhiên, cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là về cơ chế đặc thù, bất cập so với một số luật mới ban hành.

Từ định hướng đã xác định tại Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2045, Nghị quyết 06-NQ/TW về phát triển bền vững đô thị Việt Nam, từ bối cảnh Hà Nội đang triển khai thực hiện phát triển giai đoạn tới, cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là cần thiết, cấp bách.

Đề cập đến nội dung Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, đây là vấn đề có nhiều nội dung cũng là vấn đề đang có nhiều thách thức với Hà Nội nên cần được nghiên cứu kỹ để có những chính sách tạo đột phá cho Thủ đô.

Do đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần xem xét thêm một số vấn đề như, trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên căn cứ việc xây dựng và phát triển Thủ đô là thực hiện quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô. Đây chỉ là 2 quy hoạch trọng tâm xác định trong khoản 1 nhiệm vụ 4 tại Nghị quyết 15-NQ/TW. Thực tế quy hoạch hiện nay được căn cứ theo Luật Quy hoạch là cả hệ thống cấp quốc gia, vùng, ngành... Tất cả đều được áp dụng làm căn cứ cho cả nước và Thủ đô.

Về phát triển nhà ở (Điều 30), theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Dự thảo đã có bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội. Tuy vậy, còn một số tồn tại nhất là bổ sung từ ngữ khó hiểu như: Nhà ở hiện đại, mô hình căn hộ chung cư. Phát triển nhà ở xã hội tập trung là mô hình được khuyến khích, song để bảo đảm chất lượng sống cần đồng bộ hệ thống hạ tầng, không nên có quy định là theo nhu cầu thị trường và điều kiện của Thành phố (nội dung c Khoản 3).

Cùng với đó, quy định thẩm quyền của HĐND được quy định chính sách cải tạo, xây mới nhà ở cũ, nhà nhiều hộ, chỉnh trang nhà ở các ô phố và niên hạn sử dụng nhà chung cư cao tầng (điểm b, Khoản 5) cần sửa đổi để phù hợp với Luật Nhà ở. Cần có quy định trường hợp chủ đầu tư không nộp tiền tương ứng quỹ đất 20% có trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí đất được hoán đổi…

Cũng bàn về Điều 30 trong dự thảo Luật về phát triển nhà ở, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, cần dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê hoặc bán trả góp với những người làm công ăn lương (kể cả doanh nghiệp), đặc biệt là cán bộ trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Diệu Anh

Top