Luật Thủ đô (sửa đổi): Để Hà Nội phát triển xứng tầm khu vực

01/01/2023 10:33 AM

(Chinhphu.vn) - Sau gần 10 năm thi hành, Luật Thủ đô đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô; để Hà Nội phát triển xứng tầm khu vực.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Để Hà Nội phát triển xứng tầm khu vực - Ảnh 1.

Tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội phát triển. Ảnh: Internet

Giúp Hà Nội đạt nhiều thành tựu quan trọng

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, sau gần 10 năm thi hành Luật Thủ đô, các bộ, ngành, nhất là TP. Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các chủ thể trong tổ chức thi hành để sớm đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống.

Luật Thủ đô đã giúp cho Hà Nội có công cụ pháp luật riêng để tăng cường quản lý phát triển đô thị; tạo cơ chế để các ngành cùng tham gia với Hà Nội. Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật bước đầu đã giúp cho Thành phố chủ động trong quy hoạch, xây dựng, phát triển và quản lý phát triển Thủ đô.

Đồng thời, thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

"Sau gần 10 năm thi hành, việc thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp Hà Nội đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, các quy định của Luật đã tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính, ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước", ông Tuyến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung của Luật Thủ đô còn chậm được ban hành văn bản quy định chi tiết để kịp thời thực hiện thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật. Trong đó, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; chưa phát huy hết thế mạnh về vốn, khoa học-công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ di dời rất chậm. Quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, doanh nghiệp chưa được bàn giao lại cho thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô…Với những bất cập đó thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là hết sức cần thiết.

Tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội phát triển

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, thời gian qua, TP. Hà Nội đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô và phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trên cơ sở đó, Thành phố đề xuất các chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, đây là những nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô trong giai đoạn mới.

Theo đó, Hà Nội đề xuất tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô. Nâng cao năng lực tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô. Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô. Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô. Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững. Cuối cùng là liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Đánh giá về những đề xuất chính sách này, TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những cơ chế đặc thù, vượt trội, những cơ chế để phản ánh được vị thế riêng biệt của Thủ đô.

"Mỗi một quốc gia chỉ có một Thủ đô chính trị. Với Hà Nội ngoài vị thế là một Thủ đô chính trị thì vai trò về phương diện kinh tế, xã hội cũng rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đặt trong vùng liên kết Thủ đô và rộng hơn là vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc bộ. Do đó cách tiếp cận Luật Thủ đô không chỉ giải quyết vấn đề mang tính chất vị thế Thủ đô về chính trị mà phải giải quyết được cả vấn đề về kinh tế", TS Lê Duy Bình nhìn nhận.

TS Lê Duy Bình cho rằng, như vậy nội dung trọng tâm đó là vấn đề tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền trong một loạt lĩnh vực quan trọng; từ việc sử dụng nguồn lực như thế nào, huy động nguồn lực ra sao, nguồn lực về con người, nguồn lực về tài chính; những vấn đề về đầu tư công, định hướng về đầu tư tư nhân cũng cần phải được phân quyền một cách mạnh mẽ hơn cho Thủ đô.

Bên cạnh đó cũng cần phải khắc phục được vấn đề là tập trung nguồn lực như thế nào; cần phân quyền mạnh mẽ hơn cho Thủ đô về lĩnh vực đầu tư, văn hóa, xã hội, khoa học giáo dục... Làm sao để có điểm đột phá trong Luật Thủ đô mới và những chính sách đưa ra cũng phải khả thi khi vào thực tiễn.

Ngoài ra cần phải chú trọng hơn nữa về vấn đề ngân sách và sử dụng ngân sách linh hoạt, chủ động cũng như có cơ chế linh hoạt để thu hút sự tham gia của kinh tế tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài cùng nguồn ngân sách nhà nước để có thể nâng cao hiệu quả của quá trình sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Đề xuất những chính sách mới, riêng đặc thù cho Thủ đô để khẳng định Hà Nội là một Thủ đô sáng tạo, một Thủ đô "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" và những chính sách này sau khi thực hiện ở Thủ đô sẽ được nhân rộng ra cả nước.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Thành phố mong muốn trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô, các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục quan tâm, để Hà Nội khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, phát triển, trở thành đầu tàu của Vùng Thủ đô, của Vùng đồng bằng sông Hồng, xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

Có thể thấy, Thủ đô Hà Nội đang dần phát huy được vị thế, vai trò của mình, tạo động lực phát triển, sức mạnh lan tỏa, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước cùng phát triển; ngày càng khang trang, thân thiện hơn.

Diệu Anh

Top