Luôn bảo đảm an toàn cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo
(Chinhphu.vn) - Là một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của Thành phố về chuyên ngành thận học và lọc máu, vì vậy, để bảo đảm an toàn cho người bệnh trong quá trình chạy thận nhân tạo, tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra, bệnh viện Thận Hà Nội luôn bảo đảm công tác chuyên môn kỹ thuật cũng như nguồn nước, kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác bảo dưỡng, tu bổ máy móc trang thiết bị… phục vụ hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
![]() |
Bệnh viện Thận Hà Nội luôn bảo đảm tốt quy trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân đến điều trị. Ảnh: Minh Nhung |
Theo Bệnh viện Thận Hà Nội, Khoa Thận nhân tạo của bệnh viện có nhiệm vụ lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo (TNT) cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối và lọc máu cấp cứu bằng kỹ thuật TNT cho bệnh nhân suy thận cấp, rối loạn điện giải, ngộ độc…
Mỗi ngày bệnh viện triển khai 3 ca lọc máu từ thứ 2 đến thứ 7. Với nhân lực 63 cán bộ y bác sĩ, viên chức, người lao động, trong đó có 52 người đã được cấp chứng chỉ hành nghề gồm 6 bác sĩ và 46 điều dưỡng. Khoa có 4 phòng lọc máu với 67 vị trí TNT (3 vị trí lọc HDF online, 64 vị trí TNT); có 1 khu chờ bệnh nhân, 1 phòng khám trước TNT, 2 buồng tái sử dụng quả lọc… bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng.
Hiện bệnh viện đang được giao quản lý 108 máy TNT và 3 máy HDF online; 4 máy rửa quả lọc tự động Renatron; 2 hệ thống rửa quả lọc thủ công. Trang thiết bị cấp cứu gồm 8 máy Monitor, 2 máy hút đờm dãi, 1 bộ đèn nội khí, 4 bộ bóp Ambu, 1 máy điện tim 3 cần… Máy móc của bệnh viện luôn được bảo dưỡng sửa chữa. Hằng ngày, có 3 kỹ thuật viên tẩy rửa máy, sửa chữa máy tại phòng lọc máu hoặc đưa xuống khu vực sửa chữa máy, có sổ báo hỏng từng loại máy.
Quy trình, quy chế chuyên môn luôn được khoa thực hiện đúng theo quy định thực hiện kỹ thuật lọc máu bằng TNT như: Công tác chuyên môn, công tác điều dưỡng, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; công tác điểm bệnh của lãnh đạo khoa, của chuyên gia hội chẩn, bình bệnh án, phiếu theo dõi lọc máu được duy trì, chú trọng nâng cao chất lượng. Với danh sách bệnh nhân nặng, bệnh nhân có marker viêm gan dương tính được lập bảng theo dõi. Bệnh nhân luôn được các y bác sĩ của khoa chú trọng nâng cao chất lượng điều trị như sát sao theo dõi tỷ lệ thiếu máu, tăng huyết áp, viêm gan B, viêm gan C, chỉ số tim lồng ngực, tai biến, biến chứng trong ca lọc… Đồng thời, phiếu theo dõi điều trị TNT được thực hiện tốt bảo đảm đúng quy chế bệnh án ngoại trú và đáp ứng yêu cầu của bảo hiểm y tế. Việc ghi tổng kết, nhận xét nghiệm lâm sàng bệnh nhân, chỉ định xét nghiệm, kết quả xét nghiệm, dự trù thuốc vào ờ điều trị dán bệnh án 1 tháng/lần. Ghi đầy đủ thông tin theo mẫu “Tờ theo dõi điều trị Thận nhân tạo” có cả bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân theo ngày lọc máu của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, khoa Thận nhân tạo luôn chú trọng việc bảo đảm hệ thống nguồn nước sạch từ đầu vào đến đầu ra. Hệ thống xử lý nước RO được khoa phối hợp với bộ phận kỹ thuật bệnh viện thực hiện bảo dưỡng, thay thế vật tư tiêu hao, tẩy rửa hệ thống màng, đường ống RO; phối hợp giám sát hàng ngày, khi tẩy rửa hàng tháng có test tồn dư cho hóa chất tẩy rửa; có kế hoạch cấy khuẩn, xét nghiệm hàm lượng nội độc tố (endotoxin), làm xét nghiệm hóa lý nước RO… đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn.
Nhờ vậy, bệnh viện luôn bảo đảm an toàn cho người bệnh điều trị tại bệnh viện trong thời gian qua. Trong 5 tháng đầu năm 2017, khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Thận Hà Nội đã đón tiếp và điều trị bệnh nhân TNT chu kỳ cho 377 bệnh nhân; tổng số lượt điều trị TNT HDF online là 28.356 lượt; tổng số lượt HDF online là 1.230 lượt…
Theo đánh giá chuyên môn của Sở Y tế, khoa Thận nhân tạo của bệnh viện Thận Hà Nội có chuyên môn kỹ thuật cao, nguồn nước, kiểm soát nhiễm khuẩn luôn được bảo đảm cùng với công tác bảo dưỡng, tu bổ máy móc trang thiết bị… phục vụ hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, để tránh xảy ra sai sót hoặc sự cố y khoa, theo Phó Giám đốc Sở Y tế, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, bệnh viện Thận Hà Nội cần tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn, tham gia đào tạo và ứng dụng các kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại để phục vụ, chăm sóc và điều trị tốt cho bệnh nhân nặng. Đồng thời, bệnh viện cần tăng cường công tác xét nghiệm chất lượng nguồn nước để đảm bảo nguồn nước chất lượng, an toàn. Đối với những máy móc, thiết bị sử dụng lâu năm đã hỏng không khắc phục được thì bệnh viện cần thay thế và sử dụng thiết bị mới, hiện đại, chất lượng. Đặc biệt, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, bệnh viện Thận Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của thành phố Hà Nội về chuyên ngành thận học và lọc máu. Do đó, bệnh viện càng cần phải làm tốt công tác chuyên môn để có thể hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị y tế trong ngành nhằm thực hiện tốt công tác điều trị cho bệnh nhân hiệu quả, an toàn.
Minh Nhung