Luôn muốn cống hiến nhiều hơn cho Thủ đô Hà Nội

09/10/2024 1:08 PM

(Chinhphu.vn) - Những năm công tác ở Hà Nội, ông Phùng Hữu Phú được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tin tưởng, đào tạo, bồi dưỡng giúp ông trưởng thành vượt bậc và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Chính vì vậy, bản thân ông luôn tâm niệm cần làm được nhiều việc, cống hiến nhiều hơn cho Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Luôn muốn cống hiến nhiều hơn cho Thủ đô Hà Nội- Ảnh 1.

GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - một trong 10 gương Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024. Ảnh: VGP/Thùy Linh

GS. TS Phùng Hữu Phú (sinh năm 1948), sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân ở thành phố Nam Định. Từ bao đời nay, đất Nam Định đã nổi tiếng là một vùng "địa linh, nhân kiệt". Đó là nơi phát tích của nhà Trần, một trong những triều đại lẫy lừng võ công hiển hách và góp phần to lớn vào việc khẳng định bản sắc và tầm vóc của nền văn hiến Đại Việt rực rỡ ở đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ.

Vùng đất ấy cũng là nơi xuất thân của nhiều bậc "nhân tài anh kiệt, lương tướng năng thần" lưu danh trong sử sách. Từ rất sớm, truyền thống quê hương và gia đình đã thấm đẫm vào tâm tính, cốt cách con người ông.

Tiếp xúc với ông, không khó để nhận ra, dù hoạt động ở lĩnh vực nào, cương vị nào, ông cũng luôn làm việc với tư cách một nhà khoa học. Làm chính trị là khoa học, tuyên giáo là khoa học, lãnh đạo, quản lý cũng phải là khoa học. Ông khiêm tốn tự nhận rằng, nếu có thể làm được điều gì đó, có một chút đóng góp nào đó, là bởi luôn sống, hành động hết mình, tận tụy và trách nhiệm bằng tư duy khoa học, phương pháp khoa học.

Cá nhân ông đã từng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (1995-1999); Trưởng Ban Tuyên giáo, kiêm Trưởng Ban Đại học Thành ủy Hà Nội (1998-2001). Năm 2001, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX và giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội (2001-2006).

Năm 2006, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X và giữ chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2006-2011).

Năm 2011, ông được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Khoa học Chính trị tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện ông là chuyên gia tư vấn Hội đồng Khoa học các cơ quan dân đảng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông là thành viên Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XI, XII, XIII, XIV của Đảng; tham gia tư vấn xây dựng dự thảo một số văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ khóa XI đến khóa XIV. Chủ trì nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cấp Nhà nước, phục vụ việc hoạch định, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Trực tiếp tham gia truyền đạt Nghị quyết của Đảng, báo cáo chuyên đề cho nhiều cơ quan Trung ương và các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Luôn muốn cống hiến nhiều hơn cho Thủ đô Hà Nội- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024 tặng GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Trong thời gian công tác tại Hà Nội (1998-2006), ông luôn nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Cá nhân trực tiếp chủ trì chương trình khoa học cấp Nhà nước về phát huy các tiềm lực, nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; tham gia Ban chỉ đạo chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Thành ủy Hà Nội, phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố. Tham gia tổng kết 35 năm Thủ đô đổi mới và tham gia tổng kết một số Nghị quyết của Đảng về Hà Nội, một số sự kiện lịch sử trọng đại, dự án quan trọng của Thủ đô. Cộng tác thường xuyên với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong… trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy, tuyên truyền, bồi dưỡng cán bộ.

Với ông, làm chính trị nhưng là chính trị khoa học, làm khoa học với ý thức chính trị sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng. Điều ông luôn gìn giữ, tạo thành nhân cách và phong cách của ông là trong sáng về tư tưởng, thanh thản trong đời sống, không bon chen, vướng bận trong vòng danh lợi. Với triết lý nhân sinh ấy, dù bộn bề công việc, lúc nào ông cũng đàng hoàng, ung dung, tự tại, vui vẻ, lạc quan. Trong ông, nhà giáo, nhà khoa học, người cán bộ Đảng mẫu mực và con người bình dị, yêu đời, sống, làm việc hết mình luôn luôn hòa quyện nhuần nhuyễn để tạo nên nhân cách một người thầy, một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm.

Với những đóng góp to lớn đó, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2016. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2022. Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước Lào trao tặng năm 2009.

Luôn muốn cống hiến nhiều hơn cho Thủ đô Hà Nội- Ảnh 3.

Ông Phùng Hữu Phú (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng các gương điển hình tiên tiến "người tốt việc tốt" năm 2024. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Phùng Hữu Phú cho biết: "Tôi tham gia Thành ủy Hà Nội từ năm 1996 tại Đại hội lần thứ XII và sau đó gắn bó với Hà Nội trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, đầu Đại hội XIV. Có thể nói những năm công tác ở Hà Nội, tôi đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tin tưởng, đào tạo, bồi dưỡng giúp tôi trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú, quý báu. Do đó, tôi luôn tâm niệm làm được việc gì đó, cống hiến nhiều hơn cho Thủ đô Hà Nội".

Nêu những góp ý để Hà Nội phát triển toàn diện, vượt bậc hơn trong thời gian tới, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Phùng Hữu Phú nhận định, đến thời điểm 2024, sau 70 năm Hà Nội giải phóng, Đảng, Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản đồng bộ, hoàn chỉnh, thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với Thủ đô. Hệ thống các văn bản đó đã đặt cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và xác định rõ những định hướng ở tầm chủ trương, quan điểm, nguyên tắc, phương châm làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho công cuộc phát triển Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thủ đô phải đi trước, đi đầu trong việc thực hiện và hoàn thành sớm các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước; đóng vai trò là trung tâm, đầu mối liên kết, dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy và hiệu ứng lan tỏa đổi mới sáng tạo đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước…

"Hà Nội đi nhanh vào hiện đại nhưng phải giữ được bản sắc của một Thủ đô hơn nghìn năm tuổi với những đặc sắc riêng có; phải bảo đảm sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên của sông, hồ, đồi, rừng, phù hợp với các nhu cầu làm việc, sản xuất, kinh doanh của nhân dân, các hoạt động đối nội, đối ngoại quốc gia, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Thủ đô trong mọi tình huống, từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; phát huy ưu thế của thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, thành phố văn hiến", ông Phùng Hữu Phú nói.

Vinh dự được TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội rất xúc động và chia sẻ: "Đây là danh hiệu rất cao quý. Khi nhận được danh hiệu này, tôi lại muốn mình phải làm gì tốt hơn nữa để góp phần nhỏ bé vào xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp. Tôi luôn tin rằng Thủ đô yêu quý của chúng ta sẽ có những bước phát triển mới nhanh hơn, bền vững hơn, thực sự là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại".

Thùy Linh

Top