Người dành trọn 6 thập kỷ viết về Thăng Long - Hà Nội

08/10/2024 8:46 AM

(Chinhphu.vn) - Hơn 60 năm qua, gần như tất cả những gì nhà văn Hoàng Quốc Hải viết đều là về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến vì tình yêu dành cho Hà Nội. Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, ông là một trong 10 cá nhân được xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024.

Người dành trọn 6 thập kỷ viết về Thăng Long - Hà Nội- Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải. Ảnh: VGP/Minh Anh

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn với nhà văn Hoàng Quốc Hải về tình yêu của ông đối với Hà Nội về những đóng góp của ông đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Thưa ông, là một trong 10 cá nhân xuất sắc được tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024, ông có cảm nghĩ như thế nào?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Xin được chia sẻ câu chuyện thật là khi các anh ở Hội văn học nghệ thuật bảo tôi làm hồ sơ để xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, tôi đã cảm ơn và từ chối, tôi nghĩ để danh hiệu đó dành động viên những người trẻ tuổi hơn. Bản thân tôi khi làm việc thì mục đích của cuộc đời tôi không phải là viết để đạt được danh hiệu gì, phần thưởng gì. Tôi chỉ muốn qua tác phẩm của mình làm sống lại trang sử hào hùng của dân tộc bởi lòng kính phục tiền nhân, họ không chỉ anh hùng ngoài chiến trận mà còn sống rất hào hoa, lịch lãm và trí tuệ. Tất cả đều là từ mong muốn của bản thân được làm việc có ý nghĩa, với mong muốn duy nhất là trả ơn cho mảnh đất đã cưu mang tôi 60 năm cư trú. Đó là Thủ đô Hà Nội.

Khi biết tin được tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024, tôi vui vì đã được tập thể ghi nhận. Nhân dịp này tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến Hội Nhà văn Hà Nội, nơi tôi gắn bó từ ngày đầu thành lập, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, nơi đề cử tôi tới lãnh đạo Thành phố. 

Người dành trọn 6 thập kỷ viết về Thăng Long - Hà Nội- Ảnh 2.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải Thành tựu văn học trọn đời năm 2020 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Hà Nội có thể không cần có tôi nhưng tôi không thể thiếu Thăng Long - Hà Nội"

Xin ông cho biết những dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp văn học, báo chí của mình dành cho mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Năm 1953, tôi tình nguyện đi bộ đội kháng chiến chống xâm lược Pháp. Hoà bình được ít lâu, tôi trở về học phổ thông. Năm 1957 - 1960, là học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng. Rồi tôi học chuyên nghiệp Báo chí khoá I. Năm 1962 - 1966, tôi về công tác ở Báo Vùng Mỏ (tờ báo của ngành Than, tiền thân của Báo Quảng Ninh hiện nay). 

Trở lại Hà Nội đúng dịp Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội thành lập, tôi là hội viên sáng lập từ tháng 10 năm 1966. Về với vùng đất mới, vùng đất đặc biệt, nơi tập trung tri thức và trí tuệ tiêu biểu của cả nước, tôi đã được sống trong cái nôi của trí tuệ. Vì thế, trong 5 năm đầu, tôi dành khá nhiều thời gian cho học tập trong Thư viện Trung ương tại 31 phố Tràng Thi. Hầu như các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới mà hồi ấy rất khan hiếm, tôi đều khai thác từ đây. Đều đặn, tôi làm việc tại cơ quan vào buổi sáng (hồi ấy cơ quan văn học chỉ làm việc buổi sáng), thời gian còn lại trong ngày tôi dành cho vào việc sáng tạo nghệ thuật. Việc đọc sách ở thư viện giúp tôi chạm vào các tầng văn hóa, từ đó cảm thấy yêu mảnh đất này nhiều lắm, và tự nhủ bản thân mình phải làm một cái gì đó để đền đáp công ơn.

Tính đến bây giờ, cả thời gian học tập, thời gian là công dân Thủ đô cũng hơn 60 năm. Tình yêu Hà Nội với tôi cứ tự nhiên lớn dần. Đặc biệt khi làm biên tập cho Tạp chí "Sáng tác Hà Nội", càng tìm hiểu sâu về Hà Nội thì tôi càng thấy Thăng Long - Hà Nội như là một "Mỏ quặng khổng lồ với trầm tích văn hóa đã kết tinh ròng. Các bậc tiền bối đã khai thác nhiều, nhưng chưa đáng kể. Trước đây tuy đã được đọc những Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Bằng, Khái Hưng, Thế Lữ, Tô Hoài, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê, Ngô Tất Tố… thì Hà Nội đã rất hấp dẫn. Nay về Hà Nội được làm việc với các bậc đàn anh như Tô Hoài, Kim Lân, Bùi Huy Phồn, Nguyễn Xuân Sanh, Huyền Kiêu... khiến tầm mắt tôi được mở ra nhiều lắm.

Nếu nói về viết thì sự nghiệp sáng tác thì dường như tới ¾ những tác phẩm của tôi đã xuất bản là viết về Hà Nội. Trong đó đủ thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, bút kí, tạp văn, phê bình, nghiên cứu. Đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử. Trong đó có hai bộ "Tám triều vua Lý" và "Bão táp triều Trần" là xuyên suốt 400 năm lịch sử, độ dài hơn 6.500 trang. Đó là tất cả những gì tôi hiến dâng cho Hà Nội. Có thể Hà Nội không cần tôi. Nhưng tôi lại không thể thiếu Hà Nội trong sự nghiệp của mình.

Người dành trọn 6 thập kỷ viết về Thăng Long - Hà Nội- Ảnh 3.

Bộ tiểu thuyết "Bão táp Triều Trần" (6 tập) của nhà văn Hoàng Quốc Hải

Thưa ông, gắn bó với Thủ đô Hà Nội từ sau ngày giải phóng, những ngày này gợi nhớ trong ký ức của ông về thời điểm đó như thế nào?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Ngày tiếp quản Thủ đô, không chỉ riêng tôi mà toàn dân đều háo hức, vỡ oà trong niềm vui và hy vọng, tin tưởng về sự đổi mới của đất nước. Lúc đó không ở Thủ đô nhưng tôi có thể cảm nhận được tất cả không khí của ngày đấy. Lúc bây giờ thông tin ở địa phương chưa phát triển, nên ai đi Hà Nội về đều kể lại không khí ấy. Ví dụ như một anh bộ đội tiếp quản Thủ đô rồi về quê, anh ấy kể lại không khí ngày tiếp quản, cả xóm tập trung vào nghe, người nọ kể cho người kia thông tin truyền miệng về không khí của ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng hứng khởi như thế nào. Những tình cảm đó còn giữ nguyên trong kí ức tôi.

Nhớ lại những năm 1940 đến năm 1945, nhân dân ta đau khổ không biết thế nào mà tả được. Lúc ấy, "một cổ hai tròng, một cổ ba tròng" giữa đế quốc Nhật, thực dân Pháp và phong kiến thống trị. Người dân đã sống trong đói khổ, đó là nạn đói năm 1945 xảy ra tại miền Bắc gây ra cái chết của hàng triệu đồng bào. Đến lúc cách mạng về, người dân hy vọng cuộc đời thay đổi, sẽ được sống trong tự do và hạnh phúc.

Cách mạng nói độc lập, tự do, hạnh phúc, từ nay người cày có ruộng, ai mà chẳng cảm thấy sung sướng. Trong khi 90% dân số là nông dân thì "người cày có ruộng" làm sao mà không sung sướng được, làm sao mà không theo cách mạng để được đổi đời. Thế nhưng niềm vui độc lập chưa trọn vẹn, thì thực dân Pháp lại toan áp đặt ách thống trị trở lại đất nước ta một lần nữa. Thành thử toàn dân buộc phải làm một cuộc kháng chiến chống Pháp gian nan suốt 9 năm trường. Cuối cùng thắng lợi thuộc về nhân dân ta, một nửa đất nước được giải phóng. 

Thưa ông, ông cảm nhận những năm qua, Thủ đô Hà Nội thay đổi như thế nào từ sau ngày được giải phóng?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Từ năm 1954 đến năm 1964, chúng ta chưa xây dựng được gì đáng kể, chỉ mới có khu công nghiệp nhẹ Cao - Xà - Lá; tức 3 nhà máy xà phòng, thuốc lá, cao su, là khu công nghiệp tiêu biểu nhất của miền Bắc, tiêu biểu nhất của Hà Nội.

Sau này, từ những năm 70 trở đi, dân số phát triển, Hà Nội mới xây dựng các khu nhà ở tập thể như tập thể Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Nghĩa Đô... Cứ thế dần dần phát triển, nhà cao tầng xây dựng đầu tiên là nhà 11 tầng (khách sạn Hà Nội hiện tại) ở gần hồ Giảng Võ, cao nhất Thủ đô hồi đó và cũng là công trình kiến trúc đặc sắc nhất do các kỹ sư Việt Nam thiết kế.

Nói về mặt xây dựng, phát triển Thủ đô thì thành phố đã có những bước tiến vượt bậc, hàng loạt khu đô thị mới, những khu nhà cao tới mấy chục tầng đều do ta tự thiết kế, thi công; thành tựu về mặt kiến trúc tiến bộ vượt bậc. Rồi nhiều mặt công nghệ khác ta đã làm chủ được. Thủ đô ta đã nhiều lần thay áo. Là một công dân Thủ đô, tôi mong rằng quy hoạch kiến trúc Thủ đô vẫn cần phải có các khu vực xây dựng, hiện đại, và khu vực đô thị cổ, cổ kính được bảo tồn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhà văn Hoàng Quốc Hải (sinh năm 1938, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội) là tác giả của hàng chục cuốn tiểu thuyết lịch sử và nhiều bài viết trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội trên cả nước góp phần quan trọng trong dòng chảy văn học, dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Trong sự nghiệp làm báo, viết văn của mình, riêng về Hà Nội ông đã có hơn 2.000 bài viết phản ánh trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, đời sống xã hội... của Hà Nội trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và Hà Nội. Ông đã có nhiều tác phẩm sâu sắc viết về Hà Nội, tiêu biểu như: Làng trong phố, Chờ đến ngày mai, Con đường phía trước, Ký sự ven hồ… Đặc biệt với 2 bộ tiểu thuyết "Bão táp Triều Trần" (6 tập), "Tám triều Vua Lý" (4 tập) với 6.500 trang của ông, là 2 bộ tiểu thuyết lịch sử về hai thời đại phát triển nhất của Việt Nam, kéo dài hơn 400 năm trong lịch sử.

Hai bộ tiểu thuyết chủ chốt của ông "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý" với hàng vạn trang viết tay chứa đựng biết bao tâm tư, thông điệp có ích tới bạn đọc, với Tổ quốc và nhân dân. Hai bộ tiểu thuyết trên cũng đã góp phần khơi nguồn sáng tạo cho các nhà văn thế hệ kế cận.

Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc, ông được tặng thưởng Huân chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Giải thưởng "Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội" năm 2008; Giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội cho tác phẩm "Làng quê chị Dậu" năm 1969, tác phẩm "Ông giám đốc như tôi đã biết" năm 1970; "Giải thưởng Nhà nước" cho bộ tiểu thuyết 'Bão táp triều Trần' năm 2017; Giải "Thành tựu văn học trọn đời" của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2020.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải là một trong 10 cá nhân được xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2024.

Minh Anh ( thực hiện)

Top