Nhớ ký ức hào hùng Ngày về tiếp quản Thủ đô
(Chinhphu.vn) - 70 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức Ngày về tiếp quản Thủ đô vẫn tường tận trong tâm trí Đại tá Dương Niết (91 tuổi), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không-Không quân).
Nhớ lại ký ức hào hùng của những ngày về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ông không giấu giếm tự hào: "Đó thật sự là mốc son trong lịch sử của cả nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Chúng tôi vinh dự được là những người lính đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô. Dẫu 70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức sôi động, hào hùng của ngày 10/10/1954 vẫn cứ in đậm trong tâm trí tôi".
70 năm trước, Đại tá Dương Niết là một trong 214 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên về tiếp quản Thủ đô. Ông kể: Cuộc chiến ngăn chặn âm mưu trao trả Hà Nội của địch tuy không có tiếng súng, nhưng vô cùng căng thẳng, phức tạp. Địch muốn phá, còn Chính phủ ta muốn giữ lại tất cả cho nhân dân, đấu tranh phải tránh nổ súng.
Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, cấp trên quyết định chọn 214 người của Tiểu đoàn Bình Ca có phẩm chất và sức khỏe tốt, do Chính trị viên tiểu đoàn Vũ Huy Hậu dẫn đầu, đóng vai cảnh vệ thành để vào các nơi Pháp đóng ở Hà Nội. Chấp hành chỉ thị của cấp trên, tiểu đoàn đã thay đổi vũ khí trang bị theo yêu cầu của Pháp.
Sự kiện Tiểu đoàn Bình Ca vinh dự là đơn vị bộ đội đầu tiên vào tiếp quản Thủ đô là sự trùng hợp lịch sử hiếm thấy, bởi đây chính là đơn vị đầu tiên được lệnh rút khỏi Thủ đô hồi đầu kháng chiến toàn quốc (năm 1947). Các cựu chiến binh Tiểu đoàn Bình Ca rất tự hào về đơn vị mình là nhân chứng lịch sử của hai đầu sự kiện: "Ra đi và Trở về". Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị đầu tiên thực hiện lời thề của các chiến sĩ Thủ đô: "Ra đi, hẹn một ngày về".
Theo lời kể của ông, Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên. Ðầu tháng 10/1954, Ðại đoàn 308 tập kết tại Phùng (nay thuộc huyện Ðan Phượng, Hà Nội) và được lệnh vào tiếp quản các vị trí thực dân Pháp đóng quân, để bảo vệ nhân dân, cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đón đại quân chiến thắng trở về. Đồng thời không để địch cưỡng bức dân chúng di cư trước khi rút khỏi Hà Nội.
Ngày 7/10/1954, ông nằm trong số 214 cán bộ, chiến sĩ được Trung đoàn lựa chọn vào Thành đợt đầu. Từ Phùng, sang Vĩnh Phúc rồi hành quân về Phù Lỗ; tại đây, cả đoàn được học kỹ 10 điều khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đêm ấy hành quân về Làng Vân, các chiến sĩ được bà con đón tiếp rất nồng hậu.
"Vào chiều 7/10, lúc anh nuôi chuẩn bị nấu cơm thì các bà, các chị mang gà, gạo, rau để đưa cho bộ đội ăn. Anh nuôi có giải thích là bộ đội không được nhận nhưng các bà, các chị vẫn cứ nấu cơm và mời bộ đội chúng tôi. Bữa cơm xúc động ấy tôi vẫn còn ghi nhớ mãi và không bao giờ quên", Đại tá Dương Niết bồi hồi nhớ lại.
Theo Hiệp định Trung Giã, Pháp sẽ đón tiểu đoàn tại cầu Đuống. Đúng 8h sáng ngày 8/10/1954, quân ta đã có mặt phía Bắc cầu Đuống. Đứng chờ khoảng 15 phút, một hạ sĩ quan của Pháp ra mời đoàn tiếp quản vào cầu. Bầu trời Hà Nội hôm ấy đầy mây, gió mùa Đông Bắc tràn về thỉnh thoảng lại đổ xuống một trận mưa nhỏ.
Lấy lý do trời mưa, viên quan ba Pháp yêu cầu các xe phủ bạt kín nhưng thực ra họ muốn dân trong nội thành không nhìn thấy bộ đội trên xe. Nhưng khi đến Gia Lâm, một số chiến sĩ ngồi ở đầu xe vén bạt, nhô đầu ra ngoài, nhân dân nhìn thấy bộ đội, ùa ra đường vẫy chào.
Đến Hà Nội, xe đưa tiểu đoàn về tập kết tại trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở nhà thương Đồn Thủy (nay là Viện Quân y 108). Tại đây, Tiểu đoàn của ông được chia thành 35 tổ, mỗi tổ từ 3-5 người di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng.
Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, Nhà máy điện, Nhà máy nước, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai...
Kẻ địch ráo riết thực hiện âm mưu trao trả chúng ta một Hà Nội tan hoang, xơ xác thì việc đầu tiên chúng phá chính là những nơi này. Do đó, bằng bất cứ giá nào tiểu đoàn Bình Ca cũng phải bảo vệ, giữ chặt, không để chúng cưỡng bức dân di cư, không cho phá hoại hoặc lấy đi bất cứ thứ gì.
Đại tá Dương Niết lúc ấy mới là chàng trai tròn 20 tuổi. Ông là tổ trưởng tổ 5-người được lệnh vào tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt. Nhiệm vụ của đơn vị ông khá nặng nề: Hạn chế thấp nhất mưu đồ của Pháp là phá hoại hạ tầng cơ sở của ta ở nội đô; không để chúng cưỡng bức dân di cư; chuẩn bị mọi mặt để đón đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô và giữ gìn an ninh trật tự.
Chiều 8/10, một số đơn vị của ta đã áp sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Tiếp đó, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu, lần lượt tiếp quản Ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. 16h chiều 9/10/1954, những quân lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát Thành phố.
Trước đó, không khí Hà Nội trước ngày bộ đội ta về tiếp quản khá im ắng. Nhưng khi những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên thì cả Hà Nội đã rợp cờ hoa. Dù chính quyền thành phố chưa thành lập, nhưng người dân biết tin đã tự bảo nhau may cờ, khẩu hiệu. Đêm 9/10, người dân còn làm cổng chào, căng khẩu hiệu chuẩn bị đón đoàn quân chiến thắng.
Đại tá Dương Niết không bao giờ quên không khí của Thủ đô trong ngày 10/10 cách đây 70 năm. 5h sáng 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. Rất nhiều khẩu hiệu vải đỏ chữ vàng tràn ngập trên các phố: "Hồ Chủ tịch muôn năm" "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm" "Hoan hộ đoàn quân chiến thắng trở về"...
15h chiều 10/10/1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tung bay, còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau nhiều năm xa cách Thủ đô, các chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca được trở về, hòa cùng với nhân dân đón mừng ngày chiến thắng, dưới bầu trời tự do, rực rỡ cờ hoa.
"Việc không phải đánh vào Hà Nội mà vẫn giải phóng Hà Nội, đó là kết quả của sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hy sinh chiến đấu của toàn dân suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đưa đến kết quả giải phóng miền Bắc và giải phóng Thủ đô", Đại tá Dương Niết bày tỏ niềm tự hào.
Nhớ lại những giây phút lịch sử hào hùng của dân tộc, Đại tá Dương Niết xúc động nói: "Trở về Thủ đô, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc. Thế hệ trước đã chiến đấu, ghi dấu ấn và để lại cơ đồ cho lớp trẻ hôm nay. Chúng tôi tự hào là một phần của lịch sử. Tôi mong sao, các bạn trẻ hôm nay tiếp nối truyền thống, nuôi dưỡng niềm tự hào, biết ơn, từ đó cống hiến trí tuệ, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại".
Diệu Anh