Mang bản sắc văn hóa dân tộc đến với Thủ đô

02/01/2025 6:01 PM

(Chinhphu.vn) - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là địa chỉ lắng đọng không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi giao lưu, gặp gỡ, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tại đây, du khách Thủ đô và trên mọi miền Tổ quốc được đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống đầy màu sắc, tìm hiểu phong tục tập quán, nghệ thuật và ẩm thực đặc trưng của từng dân tộc trên dải đất hình chữ S.

Mang bản sắc văn hóa dân tộc đến với Thủ đô- Ảnh 1.

Cộng đồng các dân tộc và du khách cùng hòa vào vòng xòe đoàn kết. Ảnh: VGP/Minh Thúy

Tại đây, du khách Thủ đô và trên mọi miền Tổ quốc được đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống đầy màu sắc, tìm hiểu phong tục tập quán, nghệ thuật và ẩm thực đặc trưng của từng dân tộc trên dải đất hình chữ S.

Đưa giá trị văn hóa đến gần hơn với Thủ đô

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tọa lạc tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, là một địa chỉ văn hóa - du lịch hấp dẫn của Thủ đô, là địa điểm mang tính lịch sử và văn hóa, tái hiện cuộc sống và phong tục tập quán của các dân tộc trên khắp đất nước, được xem là "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Quyền Trưởng ban Ban quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, sự đa dạng văn hóa các dân tộc trên Làng là một trong nhữn lợi thế để giúp Hà Nội thu hút khách du lịch.

"Tôi cho rằng đa dạng văn hóa và yếu tố con người là một trong hai yếu tố mà chúng ta cần khai thác và có sự quan tâm, đầu tư để tạo ra sự đa dạng cho các sản phẩm mang tính giá trị văn hóa, tạo được sự thân thiện, gần gũi đến với người dân. Đặc biệt Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc, mỗi một dân tộc đều có những giá trị văn hóa khác nhau, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa độc đáo riêng, sự đa dạng văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để chúng ta tạo ra được sự khác biệt trong phát triển văn hoá, du lịch cả nước nói chung và văn hóa, du lịch Thủ đô nói riêng", ông Trịnh Ngọc Chung nhấn mạnh.

Hòa chung không khí chào đón những ngày đầu tiên của năm mới Ất Tỵ 2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, ý nghĩa phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tạo không khí vui tươi, rộn ràng khắp các không gian của "Ngôi nhà chung".

Tại "Ngôi nhà chung" năm nay sẽ tái hiện Lễ hội cầu may của đồng bào các dân tộc thiểu số và Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Thái, tỉnh Thanh Hóa. Với những hoạt động này, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam mong muốn mang được nhiều những giá trị văn hóa độc độc đáo và đặc sắc của các dân tộc ở khắp mọi miền Tổ quốc về với Thủ đô để tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc; qua đó nâng cao nhận thức và tuyên truyền trong nhân dân gìn giữ và phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa của các dân tộc cho tương lai.

Tái hiện "Lễ mừng cơm mới" thu hút du khách

"Lễ mừng cơm mới" là một nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc được người Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây là dịp để người thân trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Phong tục này xuất phát từ niềm tin của người Thái. Họ cho rằng, để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Người Thái có câu: "Lực lan bỏ tàm kin cón, bỏ hón kin cai đằm pang" (Con cháu không dám ăn trước, không thể ăn qua mặt gia tiên) nên gia tiên phải là người ăn cơm mới trước, nếu không cây lúa sẽ không tốt và sẽ không được mùa.

Mang bản sắc văn hóa dân tộc đến với Thủ đô- Ảnh 2.

Du khách cùng cộng đồng các dân tộc hòa vào không khí của Lễ mừng cơm mới được đồng bào dân tộc Thái tái hiện tại "Ngôi nhà chung". Ảnh: VGP/Minh Thúy

Trong lễ hội được trình diễn, Thầy Mo đóng vai trò là chủ lễ, là người kết nối giữa cộng đồng với các thần linh, đọc các bài văn khấn gửi tới các thần linh, ông bà tổ tiên, nhằm bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên và công ơn sinh thành của cha mẹ, mừng mùa màng thắng lợi và cầu cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa giúp năm sau lại có những mùa vụ tươi tốt nên mỗi gia đình dù có hoàn cảnh khác nhau vẫn thu xếp làm lễ cơm mới mời ông bà tổ tiên đến chung vui cùng con cháu. Lễ mừng cơm mới các thành viên được quây quần bên nhau, là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động đạo lý lối sống đúng mực ở đời. Đặc biệt người Thái không làm giỗ cho người đã mất nên hàng năm nhân ngày cơm mới, ngày làm vía cũng như các ngày khác gia chủ sẽ mời những người đã khuất về chung vui cùng với con cháu. Đây là niềm vui trọn ven nhất của mọi nhà trong họ, trong bản sau một năm làm việc vất cả để nghỉ ngơi, vui chơi, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Đó là khoảnh khắc giao cảm với mùa cũ và mùa mới, giữa trời và đất, giữa cõi sống vàc cõi chết.

Đây là dịp để du khách được giao lưu và hòa vào nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa có nhiều phong tục tập quán đặc sắc. Trong đó phải kể đến Lễ cầu may được đồng bào duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân trong bản lại nô nức rủ nhau đi xin lộc cầu may cho tiêu tan bệnh tật, mùa màng tốt tươi. Ông mo chủ lễ sẽ cúng thần linh cầu mưa thuận gió hòa, xin cho dân bản nhiều sức khỏe, hạnh phúc, đủ đầy.

Để chuẩn bị mâm lễ cúng, quan trọng nhất là các sợi chỉ được đặt vào mâm cúng, lễ vật cúng gồm gà, thịt lợn, nước, cơm nếp, hoa quả… Làm lễ xong ông Mo sẽ ban lộc cho từng người bằng cách buộc chỉ cổ tay tùy theo lứa tuổi, địa vị để được ông buộc chỉ màu khác nhau. Đây được xem là bùa may mắn mà ông Mo ban tặng.

Bên cạnh việc tái hiện các phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc, tại "Ngôi nhà chung" còn giới thiệu hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu và khám phá điệu nhảy Khèn Mông độc đáo mang tính sáng tạo chỉ có ở người Mông vùng cao Thanh Hóa. Bước chân nhảy theo điệu nhạc đều mang ý nghĩa chúc tụng, mời bạn bè tụ họp, vui chơi và củng cổ tính đoàn kết cộng đồng, góp phần gắn kết thêm tình bạn, tình yêu, tình bản làng.

Phiên chợ vùng cao ngay trong lòng thủ đô Hà Nội đã tạo nên một không gian văn hóa mộc mạc, vui tươi, hấp dẫn du khách tham quan và trải nghiệm. Đây là nơi du khách có thể hòa mình vào những văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc, từ đó mỗi du khách có thêm hiểu biết về phong tục tập quán, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. 

Minh Thúy

Top