‘Mở cánh cửa mới’ giúp doanh nghiệp ‘bước chân’ vào thị trường khó tính

30/10/2022 8:34 AM

(Chinhphu.vn) - Thương mại điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường, mở cánh cửa mới để các doanh nghiệp “bước chân” vào các thị trường khó tính, những nơi đang có nhiều rào cản về thủ tục và chi phí.

‘Mở cánh cửa mới’ giúp doanh nghiệp ‘bước chân’ vào thị trường khó tính - Ảnh 1.

Các đại biểu trao đổi về thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: VGP

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới. Với doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD; thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Mới đây, chia sẻ tại Hội nghị "Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tổ chức, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu. Phương thức kinh doanh này cắt bỏ hầu hết khâu trung gian của xuất khẩu truyền thống, dễ dàng tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn cầu.

Nhờ đó tiết kiệm được chi phí và tăng lợi nhuận bán hàng; đồng thời kiểm soát tốt hơn thị trường và vòng đời sản phẩm nhờ sự phản hồi nhanh chóng từ khách hàng. "Hiện có hơn 7,2 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang được bán tại nền tảng này trên khắp toàn cầu", ông Toàn thông tin.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, những con số triển vọng trên đã chứng minh, doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc sử dụng thương mại điện tử để bán được sản phẩm ra nước ngoài. Từ đó giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, tiết giảm thời gian, chi phí so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tăng số lượng đơn hàng, doanh thu trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không phải là dễ dàng, mà còn gặp không ít những khó khăn. Đó là làm thế nào để phát triển thương hiệu, nâng cao nhận diện với người mua nước ngoài, đồng thời giảm chi phí giao hàng vì sản phẩm bán trực tuyến thường có giá trị không lớn…

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông Trần Đức Chung, Giám đốc Công ty TNHH Vinescraft (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, để có thể xuất khẩu được sản phẩm qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới cần có sự thích nghi với sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng, chính sách của sàn. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể thành công.

Ngoài ra, doanh nghiệp khi tham gia sàn thương mại điện tử cần tìm hiểu các quy định, cách thức để có thể xuất khẩu đúng tiêu chuẩn, cách thức vận chuyển, thủ tục mở gian hàng, thời gian giao nhận hàng... Tất cả những yếu tố này đều tác động lên giá thành của sản phẩm.

Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh khuyến nghị, để tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần phải nắm chắc các quy định, quy luật, hợp tác quốc tế, logistics, thanh toán quốc tế…

Giúp doanh nghiệp chuyển mình trên nền tảng số

Với một dân số luôn sẵn sàng đón nhận công nghệ mới và tiềm năng thương mại điện tử to lớn, việc khai thác thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm trong nước, sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương... sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Hơn thế nữa, cách khai thác bài bản, đúng quy trình sẽ tạo tiền đề vững chắc cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng các doanh nghiệp Việt tới các tiêu chuẩn xuất khẩu và cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho rằng, hiện dư địa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được thực thi với nhiều ưu đãi thuế quan.

Đặc biệt, cơ hội sẽ rộng mở với các doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp với thị hiếu của thị trường nhập khẩu, tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử để thâm nhập vào các thị trường "khó tính", với nhiều rào cản về thủ tục và chi phí.

Với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chuyển mình thực hiện các chương trình xây dựng thương hiệu số. Theo chia sẻ của chuyên gia, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng như nghiên cứu thị trường, đối thủ và khách hàng mục tiêu, từ đó hiểu rõ vị thế của mình, xác định nền tảng, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển từ hình ảnh doanh nghiệp, nội dung sản phẩm đến việc kết hợp các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu đa nền tảng như mạng xã hội.

Đại diện của Google Workspace cho hay, Google Workspace là bộ công cụ văn phòng, làm việc nhóm và giao tiếp đa nền tảng bao gồm email tùy chỉnh, cuộc họp video, lịch, tài liệu và nhiều công cụ cộng tác và giao tiếp khác cho doanh nghiệp.

Giải pháp Google Workspace như một nền tảng tiền đề giúp doanh nghiệp khai mở chặng đường số hóa và là chìa khóa thiết yếu tạo đà cho doanh nghiệp vươn ra thị trường.

Có thể thấy, việc tận dụng hiệu quả phương thức xuất khẩu trực tuyến không chỉ cần chính sách, mà cần hỗ trợ nền tảng của các sàn thương mại điện tử lớn có phạm vi hoạt động trên thế giới, từ đó cho doanh nghiệp biết rõ cơ hội, thách thức đang chờ đợi họ.

Diệu Anh

Top