Để doanh nghiệp triển khai hiệu quả thương mại điện tử

17/10/2022 8:36 AM

(Chinhphu.vn) - Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức trong cộng đồng các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của xã hội về ứng dụng thương mại điện tử trong cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua các ứng dụng công nghệ số.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ để triển khai hiệu quả thương mại điện tử - Ảnh 1.

Phân loại hàng hóa của hãng thương mại điện tử Lazada. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Việc sử dụng các kênh bán hàng online để tiếp thị sản phẩm tới khách hàng hay ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh là xu thế buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cách bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng khai thác tốt lợi thế từ kênh thương mại này. Đó là lý do mà các cơ quan xúc tiến thương mại cũng như các đơn vị có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố Hà Nội đã triển khai chuỗi chương trình nhằm năng cao kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số.

Qua ghi nhận ý kiến từ các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề trong Chương trình "Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số" do HPA phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (IDEA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức trong thời gian qua, các đại biểu từ quản lý tới doanh nghiệp đều cho rằng, rất cần có thêm những kiến thức nâng cao về lĩnh vực này để phát triển hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Chưa khai thác hiệu quả kênh kinh doanh nền tảng số

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội 98 % doanh nghiệp nhỏ và vừa và hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp cận việc tiếp thị thông qua các nền tảng số như các nền tảng mạng xã hội facebook, youtube, tiktok hay.... Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa phải là nhiều.

Theo quan sát và thực tế, bà Trịnh Thị Ngân cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nhận được nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ triển khai chuyển đổi số, xây dựng data dữ liệu thông tin doanh nghiệp, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ từ 20-30 triệu/1 doanh nghiệp cũng chưa thể đủ, đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về nguồn lực nhân sự có trình độ kỹ năng về lĩnh vực này. Việc trang bị các phần mềm, hay giải pháp chỉ là công cụ, hoàn toàn không thể thay thế được con người để vận hành và khai thác hiệu quả từ các giải pháp số hóa. Trong khi, thực tế, những nhân sự có kỹ năng bán hàng hay tiếp thị làm content trên các nền tảng số, những nhân sự hiểu biết về các quy định tham gia sàn thương mại điện tử chưa nhiều. Về hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hạ tầng hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics hiện thiếu sự đồng bộ và thiếu tính kết nối. Đặc biệt hạ tầng logistics còn chưa hoàn thiện; giá thành dịch vụ cao, chưa đáp ứng được nhu cầu người sử dụng. Nguồn nhân lực số đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử.  

Theo bà Trịnh Thị Ngân, để phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ làm phân phối hàng hóa trên các nền tảng số, cần sự kết nối giữa Hiệp hội doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử để có những chương trình chia sẻ kiến thức, đưa ra những giải pháp giúp cho các doanh nghiệp của mình hay là những thành phần tham gia vào vấn đề kinh doanh thương mại thì có thể tiếp cận được với các loại điện tử thương mại điện tử.

Một doanh nghiệp đến từ Làng gốm Bát Tràng cho biết, kênh thương mại điện tử là một kênh rất là quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm của gốm Bát Tràng. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp kinh doanh gốm Bát Tràng cũng gặp khó khăn đó là nhiều người đã "mượn" tên tuổi và thương hiệu để kinh doanh những hàng giả và hàng kém chất lượng. Vì vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể bảo vệ được thương hiệu mình trên các sàn giao dịch điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến.

"Về vấn đề này tầm quan trọng của việc ngay từ khi xây dựng thương hiệu của mình phải đăng ký bản quyền thương hiệu và hiểu những quy định pháp luật để bảo vệ cho thương hiệu của mình, chống lại những hành vi vi phạm về bản quyền. Chúng tôi rất cần được hỗ trợ những kiến thức cụ thể, thiết thực hơn để trang bị thêm kỹ năng về việc tăng doanh thu bán hàng qua các sàn giao dịch điện tử, tiếp cận khách hàng nước ngoài và bảo vệ được thương hiệu của doanh nghiệp mình", đại diện Doanh nghiệp từ làng gốm Bát Tràng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn Phòng điều phối xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội, ngày 31/8 vừa qua văn phòng đã ký kết hợp tác với Tiktok Việt Nam, sự kiện này đã giúp hàng trăm chủ thể nâng cao kiến thức, kỹ năng, có khả năng ứng dụng công nghệ và các giải pháp tiếp thị sáng tạo vào quá trình tiêu thụ sản phẩm OCOP. Từ đó có thêm nhiều kênh tiếp cận với người tiêu dùng, giúp các chủ thể chủ động đầu ra, xây dựng được chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP. Đến thời điểm này, trên trang OCOP Hà Nội trên tiktok shop đã có 6 triệu lượt khách hàng quan tâm, theo dõi.

Theo ông Chí, sau những buổi livestream trên tiktok shop vừa qua và thông qua Chương trình tập huấn này, đã nhận thấy đối tượng trên tiktok shop vẫn mua hàng theo cảm hứng. Trong khi nhóm khách hàng tiềm năng của OCOP lại là những người phụ nữ. Chính vì vậy, rất cần có kiến thức lựa chọn cách thức khai thác kênh bán hàng này và phải nghiên cứu lại cách tiếp cận khách hàng bằng những câu chuyện sản phẩm như thế nào? Phương pháp tiếp cận ra sao? Truyền giá trị gì cho họ?

Cũng theo Phó Chánh Văn Phòng điều phối xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội, với tư cách là cầu nối cho người sản xuất và người mua, việc hiểu rõ hơn về cách thức để đưa được hàng hóa, sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết. Do đó, kiến nghị nhận được sự hỗ trợ đào tạo tập huấn, trang bị kiến thức nhiều hơn cho những doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Tuấn Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhật Bản cho rằng hầu hết chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hay cá nhân ông là chủ một sàn giao dịch điện tử BB HOUSE thì đều biết rõ giá trị to lớn của kênh bán hàng trên nền tảng số, nhưng kiến thức cho một lĩnh vực mới này đòi hỏi có thời gian, có sự đầu tư chuyên sâu. Lấy ví dụ như chính doanh nghiệp của ông đã hoạt đông tới 30 năm và chủ yếu trước đây theo kênh phân phối bán hàng truyền thống, thì đến nay tiếp cận kênh bán hàng này là một vấn đề cần đầu tư bài bản và cần có sự hỗ trợ truyền thông về nền tảng thương mại điện tử hay các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động này.

Ông Dương cho biết, từ góc độ trên, sàn thương mại điện tử BB HOUSE của ông hướng tới việc đầu tiên là điều tiết mọi hành vi, mọi chủ thể tham gia trên Sàn BB HOUSE là tuân thủ đúng quy định pháp luật. Sứ mệnh của BB HOUSE là trở thành 1 trong những biểu tượng về niềm tin của người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến. Vì vậy, đối với BB HOUSE thì các quy định pháp luật về thương mại điện tử cần được tuyên truyền rộng rãi để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng, làm đúng. BB HOUSE thành công sẽ là bước đột phá để có nhiều sàn chuyên việt cho những nhóm sản phẩm riêng giúp cho người bán, người mua dễ dàng gặp nhau để đáp ứng nhu cầu thật.

Bắt kịp với xu hướng phát triển của thương mại điện tử trong điều kiện mới

Về phía vai trò là cơ quan làm công tác quản lý xúc tiến thương mại, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội cho rằng, hoạt động thương mại điện tử là vấn đề rất hay nhưng cũng là vấn đề rất khó. Xác định được tầm quan trọng của vấn đề thúc đẩy thương mại điện tử trong hoạt động của doanh nghiệp, vừa qua HPA đã cùng các đơn vị tổ chức Chương trình bao gồm chuỗi các Hội nghị chuyên sâu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.

HPA đã phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức có nhiều kinh nghiệm và luôn sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cùng các đối tác lớn trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực như thương mại điện tử, logistic, tài chính, phát triển thương hiệu, digital marketing ... như Amazon Global Selling, Shopee International Platform, Tiki, Lazada, Alibaba, Google, Clever Group, VPBank, BIDV...

Trong đó, chương "Tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, phát triển kênh phân phối hiện đại trên nền tảng số" vừa mới được tổ chức đã  cung cấp cho doanh nghiệp các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực kết nối thương mại thương mại điện tử, tiếp cận quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh ...

Qua đó, các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức chuyên ngành về phát triển kênh phân phối hiện đại, cập nhật về chính sách, kỹ năng triển khai thương mại điện tử, nắm bắt thông tin thị trường, từ đó giúp xây dựng chiến lược bán hàng mới. Hội nghị cũng là cơ hội dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng và biết vận dụng tốt thương mại điện tử cho hoạt động kinh doanh của mình. 

"Đã đến lúc phải thay đổi và phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa kênh phân phối bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội", bà Mai Anh nhấn mạnh.

Theo bà Mai Anh, hiện nay, thành phố Hà Nội đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để bắt kịp với xu hướng phát triển của thương mại điện tử trong điều kiện mới. Các vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới phân phối, tổ chức hệ thống logistic, quản lý hoạt động của các mô hình mới và xây dựng các kế hoạch, giải pháp tổng thể là nhiệm vụ dài hạn được chú trọng xây dựng.

HPA sẽ có định hướng, phương pháp giảng dạy mới, phối hợp với các cơ quan chuyên trách để đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ, thương mại điện tử phù hợp với thực tiễn yêu cầu.

"Bên cạnh đó, HPA cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức trong cộng đồng các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao nhận thức của xã hội về ứng dụng thương mại điện tử trong cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua các ứng dụng công nghệ số", Phó Giám đốc HPA nói.

Minh Anh 

Top