Mô hình nông nghiệp biến tướng: Trách nhiệm quản lý với các sai phạm?
(Chinhphu.vn) - Sáng 12/5, tại phiên chất vấn của Thường trực HĐND TP. Hà Nội về nhóm vấn đề vi phạm trong nông nghiệp, các đại biểu đã đặt vấn đề trách nhiệm, hướng xử lý đối với một số đơn vị khi để diễn ra tình trạng đất nông nghiệp chuyển thành nhà hàng, khu vui chơi, giải trí.
Chất vấn nhóm vấn đề vi phạm trên đất nông nghiệp, đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Bắc Từ Liêm) nêu câu hỏi tới Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND quận Long Biên, UBND huyện Phúc Thọ về tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi bồi ven sông trên địa bàn nhiều năm chưa được xử lý, nhiều khu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi trái phép làm nhà hàng khu vui chơi, giải trí, đề nghị cho biết trách nhiệm quản lý với các sai phạm trên, giải pháp thời gian tới?.
Trả lời câu hỏi đại biểu Vũ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, với phản ánh về tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp tại địa bàn các phường Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối, quận đã chuyển đổi vùng bãi, tuy nhiên, quá trình triển khai chưa triệt để, còn vi phạm khi một số diện tích sử dụng chưa đúng mục đích.
"Chúng tôi đã tập trung cương quyết tháo dỡ, phá dỡ công trình vi phạm. Các nhà mái, mái che nằm ở diện tích đất bãi bồi, không phải đất nông nghiệp hay đất công ích. Với các vùng này khi nước lên thì ngập, nước rút tạo thành bãi bồi và đã được duyệt quy hoạch 1/2.000 và 1/5.000. Hiện quận đã đo đạc, lập hồ sơ đánh giá, quyết tâm không để vi phạm mới phát sinh. Đồng thời, quận đã lập đề án, phương án quản lý khai thác đất vùng bãi và mong muốn có chính sách phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch", ông Nguyễn Mạnh Hà nêu.
Đề nghị thanh tra Dự án Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay trong tháng 5
Trả lời câu hỏi đại biểu Vũ Ngọc Anh về trường hợp vi phạm ở vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn khẳng định, Phúc Thọ là một trong những huyện rất nghiêm túc và cầu thị trong việc xử lý các vi phạm, tồn tại trước đây.
Năm 2021, UBND huyện Phúc Thọ đã mời lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các trưởng, phó cấp phòng để hướng dẫn, giúp đỡ và đối thoại với huyện Phúc Thọ để nói ra các nhóm vi phạm, từ đó xử lý.
"Riêng 2022, chúng tôi đã xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm, chỉ có 2 vụ phải cưỡng chế, còn lại là nhân dân tự tháo dỡ vi phạm. Tôi khẳng định, huyện Phúc Thọ rất nỗ lực cố gắng, không có tồn tại vi phạm trên đất nông nghiệp và không có tái vi phạm", ông Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Sơn, đối với trường hợp Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (dự án bị phản ánh có vi phạm), gần đây UBND huyện có 2 báo cáo liên quan dự án hoa, cây cảnh biến tướng thành khu du lịch vườn sinh thái. Theo đó, khu đất bồi xã Hiệp Thuận trước đây, nay là dự án hoa, cây cảnh của xã Hiệp Thuận nằm bên bờ Hữu của sông Đáy là một diện tích khó canh tác, ngập úng, Nhân dân hầu như bỏ hoang. Trước thực trạng đó, xã Hiệp Thuận khảo sát diện tích bỏ hoang, đề xuất lập dự án chuyển đổi để thu hút các doanh nghiệp và cá nhân vào sản xuất.
Năm 2019, xã đã lập tờ trình xin quy hoạch chi tiết 9.400m2 để trình UBND huyện phê duyệt trồng hoa và cây cảnh, đã được UBND huyện phê duyệt chi tiết. Đến thời điểm này phải khẳng định việc xây dựng trong 9.400m2 được phê duyệt là đúng, không có gì sai. Trong quá trình làm, chủ dự án có thuê thầu thêm 14 nghìn m2 đất của dân để trồng hoa, quá trình trồng hoa du khách đến chụp ảnh rất nhiều, chủ dự án mới làm những nhà tạm lợp bằng mái cọ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ, sau khi dư luận phản ánh, UBND huyện lập đoàn kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư không được đầu tư thêm các hạng mục công trình, phải tự ý tháo dỡ ngay các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp và đất thủy lợi, bãi sông trước ngày 25/12/2022. Trường hợp không tự ý tháo dỡ, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Chưa bằng lòng với phần trả lời của lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ, đại biểu Vũ Ngọc Anh cho rằng, qua so sánh hình ảnh cơ quan truyền thông nêu với nội dung hình ảnh nêu trong phóng sự được phát ở phiên chất vấn hôm nay là không thay đổi; trong chỉ đạo của UBND huyện Phúc Thọ có nói, trường hợp không tự ý tháo dỡ thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, đại biểu Vũ Ngọc Anh tiếp tục đề nghị lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ làm rõ.
Giải trình về ý kiến của đại biểu Vũ Ngọc Anh, lãnh đạo Phúc Thọ tiếp tục khẳng định 9.400m2 trong dự án là không sai. "Còn diện tích ở ngoài, trong văn bản của UBND huyện chúng tôi chỉ đạo là kết thúc tháng 12/2022, chủ đầu tư phải tự tháo dỡ. Dự án này có nhiều hạng mục, kết thúc tháng 3/2023, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ đầu tư có đề nghị được gia hạn để đưa các hạng mục đi. Vừa qua đã bàn giao lại toàn bộ diện tích đất cho 21 hộ dân, các hộ dân đã trồng đỗ, ngô…", ông Nguyễn Đình Sơn trả lời.
Trước ý kiến của Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà đề nghị chuyển dự án này về UBND Thành phố và tổ chức thực hiện thanh tra trong tháng 5.
"Khi thực hiện thanh tra dự án này, đề nghị UBND Thành phố mời đại diện của Thường trực HĐND tham dự đoàn", Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu.
Bích Phương