Mở khóa cho phát triển nông nghiệp hiện đại

27/11/2023 7:34 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để đưa nền nông nghiệp lên một tầm cao mới. Theo đó, Luật Thủ Đô (sửa đổi) như một chìa khóa mở cánh cửa cho sự đổi mới và phát triển bền vững của nền nông nghiệp.

Mở khóa cho phát triển nông nghiệp hiện đại- Ảnh 1.

Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nông nghiệp, nông thôn Hà Nội phát triển. Ảnh: VGP/TT.

Thủ đô Hà Nội, với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước, đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc duy trì và phát triển nông nghiệp hiện đại. Bối cảnh này đã thúc đẩy việc sửa đổi Luật Thủ Đô, nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý linh hoạt và khích lệ sự đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Định hướng đưa Hà Nội đứng đầu phát triển nông nghiệp sinh thái

Luật Thủ đô năm 2012 không có quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, do đó, đây là một nội dung mới trong Luật sửa đổi.

Các bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở Thủ đô được xác định như: Thiếu chính sách, pháp luật mở đường cho việc đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; pháp luật về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiện nay là rào cản việc phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo mô hình hiện đại, thông minh, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi cung ứng, gây lãng phí trong việc khai thác sử dụng tài nguyên đất...

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phấn đấu đưa Hà Nội " trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc. Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô". 

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào công nghệ sản xuất giống cây, con đặc sản bản địa có giá trị cao; công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến sâu và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tuần hoàn, tạo thành chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Thủ đô, mở rộng và phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp.

Phát triển các Khu công nghệ cao bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng cao của Thủ đô, qua đó thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ cao trong nông nghiệp.

Mở khóa cho phát triển nông nghiệp hiện đại- Ảnh 2.

Vùng trồng hoa Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ rực rỡ chờ đón Tết. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ngoài ra là các điều khoản về  giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế nông thôn (các HTX kiểu mới, kinh tế trang trại, gia trại...) liên kết với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với tiêu thụ sản phẩm làng nghề, làng có nghề giàu bản sắc văn hoá Thủ đô (Điều 33, khoản 2, điểm d, đ, g); hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, làng nghề, làng có nghề ở nông thôn.

Các giải pháp thu hút, khai thác, phát huy các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân: Ưu đãi đầu tư thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt các DNNN ứng dụng công nghệ cao, vào các Dự án sử dụng công nghệ cao, tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý chất thải, nước thải; dự án phát triển làng nghề truyền thống;  ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cho các Dự án khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học...

Dự thảo cũng đề cập đến giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao đời sống của nông dân, người lao động tại các tổ chức kinh tế nông nghiệp như: Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề của Thành phố cho lao động nông thôn theo nhu cầu của từng đối tượng hình thành và phát triển đội ngũ "công nhân nông nghiệp"; thành phố hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của Hà Nội.

Tập trung vào sản xuất giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao

Về Luật Thủ đô sửa đổi trong nông nghiệp, nông thôn, theo ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), mục tiêu quan trọng là hỗ trợ cho quá trình phát triển "đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Nông nghiệp và nông thôn không chỉ đơn thuần là nguồn lao động giản đơn mà còn là nguồn tài nguyên quan trọng, với sự tập trung vào con người có kỹ năng và trí tuệ. Theo đó, cần điều chỉnh mạnh mẽ quỹ đất để phục vụ phát triển tài nguyên con người và đô thị hóa, không chỉ đơn thuần để sản xuất nông sản, mà còn để thúc đẩy đô thị hóa và khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về hướng phát triển, cần tập trung vào sản xuất giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao, và tập trung sản xuất giống cây, con giống năng suất, chất lượng. Đồng thời gắn kết nông nghiệp với các viện nghiên cứu và trường đại học để hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Mở khóa cho phát triển nông nghiệp hiện đại- Ảnh 3.

Bà con nông dân xuống đồng trồng đậu tương vụ đông tại huyện Thanh Oai. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Nhấn mạnh vào việc đề cao vai trò của "nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu," ông Sơn cho rằng, đây là định hướng đúng đắn, nhưng cũng cần kèm theo các chính sách cụ thể như chuyển đổi quỹ đất, hỗ trợ dịch vụ môi trường, và chống thiên tai để đảm bảo an sinh cho Thủ đô.

Việc xây dựng nông thôn mới đứng ra như một đề tài quan trọng trong dự án Luật Thủ đô sửa đổi, và theo TS. Đặng Kim Sơn, vấn đề này cần được đề cập rõ hơn. Ông đưa ra quan điểm cá nhân về việc phát triển nông thôn ở Hà Nội, nhấn mạnh sự đa chiều của nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông sản mà còn là địa điểm nghỉ dưỡng cho cư dân đô thị.

Xây dựng nông thôn mới cần chú trọng đến hai địa bàn chính. Thứ nhất, là nông thôn văn hóa - môi trường, tập trung vào yếu tố tổng hợp về văn hóa cổ truyền, kiến trúc, quy hoạch không gian, tổ chức cộng đồng, và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Thứ hai, là các vùng phát triển đô thị quanh 5 đô thị vệ tinh và các vùng thuộc các huyện ven đô sẽ chuyển sang quận trong tương lai. Đồng thời, cần xây dựng quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông và môi trường cảnh quan, để thu hút cư dân hiện đại từ trung tâm thành phố ra sinh sống.

Cũng theo ông Đặng Kim Sơn, Hà Nội cần có chính sách phát triển mô hình thành phố vườn, thành phố xanh, và thành phố gắn liền với môi trường, tạo sinh kế ổn định cho cư dân nông thôn chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp.

Ngoài vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn, việc xây dựng cư dân nông thôn Thủ đô cũng là một nội dung ít được đề cập đến trong dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Vì vậy, theo ông Sơn đề xuất cần kết nối tài nguyên, thị trường, điều kiện học hành, và điều kiện phát triển sinh kế. Đồng thời, tạo điều kiện đưa cơ sở hạ tầng và dịch vụ cao cấp đến các địa bàn này để thu hút cư dân cao cấp và khách du lịch; cần có chính sách chuyển nguồn lực lao động thành tài nguyên con người; huy động sức mạnh cộng đồng trong xây dựng làng xã truyền thống và phát triển hợp tác xã đảm nhiệm chức năng hiện đại.

Luật Thủ Đô (sửa đổi) không chỉ là một văn bản pháp luật, mà còn là một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại của nông nghiệp. Việc mở khóa những cơ hội mới và giải quyết những thách thức đang đặt ra đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ từ cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền. Như vậy, Việt Nam không chỉ là một quốc gia có lịch sử nông nghiệp lâu dài mà còn là một bước chuyển mình đáng chú ý trong quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp.

Thiện Tâm

Top