Mở rộng giao thương, gắn kết văn hóa, du lịch Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), TP. Hà Nội đã, đang và sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, đặc biệt là những hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại gắn kết du lịch, văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Xúc tiến quảng bá văn hóa, điểm đến du lịch
Với quy mô 100 gian hàng của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp đến từ hơn 30 tỉnh, thành phố trong cả nước và các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, những ngày qua, "Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa quận Bắc Từ Liêm" đã thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến trải nghiệm và mua sắm.
Các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, sản phẩm đặc sản địa phương, nông sản thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, gia dụng, thủ công mỹ nghệ và một số sản phẩm công nghệ cao… cũng như quảng bá hình ảnh về văn hóa, lịch sử của địa phương.
Vừa từ Đà Nẵng ra Hà Nội du lịch cùng gia đình, chị Nguyễn Thanh Thảo chia sẻ, gia đình chị sắp xếp đi du lịch vài ngày trong dịp Hà Nội kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô để thăm ông bà và cũng là thưởng thức tiết trời thu Hà Nội sau nhiều năm xa Thủ đô.
Chị Thảo cho biết, chị đã thăm quan nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh của Hà Nội và nay đến quận Bắc Từ Liêm dạo quanh mua sắm tại hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa. "Tại đây chúng tôi vừa được thưởng thức các màn văn nghệ, trình diễn đàn dân tộc, áo dài truyền thống… vừa được mua sắm các đặc sản vùng miền với giá cả hợp lý và chất lượng an toàn", chị Thảo hào hứng nói.
Nhiều người dân và du khách có chung mong muốn, TP. Hà Nội tiếp tục tổ chức các sự kiện như thế này để người dân hiểu thêm được về các di tích, văn hóa của các địa phương; qua đó góp phần thúc đẩy du lịch, giao thương giữa các tỉnh, thành.
Nói về lợi ích mà hội chợ mang lại cho các tỉnh, thành trong công tác xúc tiến thương mại, du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh chia sẻ, thông qua việc tham gia hội chợ ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh có thêm cơ hội quảng bá các điểm du lịch, dịch vụ tới du khách, đồng thời kết nối trao đổi khách giữa Quảng Ninh với TP. Hà Nội và các tỉnh thành khu vực phía Bắc.
Đối với quận Bắc Từ Liêm - địa phương có nhiều tiềm năng phát triển thương mại, du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng với nhiều điểm nhấn về vị trí, địa hình, môi trường tự nhiên và văn hóa Bắc Từ Liêm thấm đẫm bề dày lịch sử và chiều sâu văn hiến với nhiều nét đặc trưng riêng; đồng thời là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.
Quận hội tụ nhiều di sản văn hoá của người Việt cổ, phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại với 135 di tích (trong đó có 63 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa gồm 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 48 di tích cấp Quốc gia, 14 di tích cấp Thành phố); 35 di sản văn hóa phi vật thể với 2 lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài ra, quận có những làng cổ, làng nghề truyền thống đã đi vào tâm tưởng nhân dân và nhiều di tích cách mạng, kháng chiến được ghi dấu trong lịch sử dân tộc.
Những cái tên Lễ hội Đình Chèm, Lễ hội Bơi Đăm, Làng cổ Khoa bảng Đông Ngạc, bảo vật quốc gia - quả chuông thời Ngô,… đã trở nên quen thuộc với nhân dân Hà Nội và cả nước, dần dần thu hút khách quốc tế. Đến nay, các nhà lưu niệm, bảo tàng,… đang được xây dựng, phát triển trên địa bàn như Nhà Lưu niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh,…
Theo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên, quận Bắc Từ Liêm cũng là nơi sản sinh ra nhiều làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm đã được khẳng định về chất lượng từ trong tới ngoài nước, như: Hoa Tây Tựu; sinh vật cảnh Đông Ngạc - Đức Thắng; bưởi Diễn; hồng xiêm Xuân Đỉnh; bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh - Xuân Tảo; giò Chèm nem Vẽ - Thụy Phương; giò, chả, bánh chứng, bánh tẻ Thượng Cát, nghề may Mỹ Lan-Cổ Nhuế…
Cùng với các hoạt động tham quan, mua sắm, người dân và du khách tham quan sẽ được thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, nghệ thuật đường phố… lồng ghép với các hoạt động quảng bá du lịch; tham quan và tìm hiểu về các bộ sưu tập hiện vật hóa thạch tại Không gian triển lãm hóa thạch của Bảo tàng hóa thạch Hà Nội; check in và lưu lại những hình ảnh đẹp tại các tiểu cảnh với những sắc hoa rực rỡ đến từ làng hoa Tây Tựu, các hoạt động này sẽ mang đến những trải nghiệm, ấn tượng khó phai trong lòng người dân và du khách.
Mở ra nhiều cơ hội giao thương mới cho doanh nghiệp
Theo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên, việc tổ chức các hội chợ này là cơ hội tuyệt vời để các địa phương giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm tiêu biểu của mình đến với công chúng. Đây không chỉ là nơi quảng bá mà còn là cầu nối quan trọng giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng, đồng thời đóng vai trò thiết thực trong việc kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên khẳng định, các hoạt động sẽ mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách và người dân tham quan. Sự kiện không chỉ tạo cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mới, tìm kiếm đối tác mà còn là dịp để nâng cao sự tương tác giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc phát triển sản phẩm và mở rộng quy mô kinh doanh.
Đây cũng là dịp để các địa phương quảng bá hình ảnh văn hóa đặc trưng cũng như những điểm du lịch hấp dẫn, tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác. Các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các làng nghề truyền thống có cơ hội giới thiệu đến du khách những sản phẩm mang đậm nét văn hóa bản địa, góp phần làm phong phú thêm hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Hưng, đại diện Công ty TNHH Yến sào Kon Tum cho biết, với mục tiêu tăng cường tiêu thụ sản phẩm của mình thông qua việc tham gia các hội chợ, tôi mong muốn đưa sản phẩm yến sào đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.
"Cùng với chất lượng vượt trội, mẫu mã đẹp và hình thức đóng gói phù hợp, các sản phẩm của công ty như Yến chưng Kon Tum, Yến tinh chế và nước Yến Sâm Kon Tum đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh", ông Vũ Xuân Hưng cho hay.
Đồng thời hy vọng, sau khi tham gia hội chợ cơ sở sẽ có cơ hội thúc đẩy doanh số bán hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ tại địa phương mà còn trên toàn quốc.
Đại diện cơ sở sản xuất mây tre đan Phú Vinh cho hay, hiện nay những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được nhiều người dân ưu chuộng bởi tính thẩm mỹ cũng như sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng chi tiết sản phẩm. Nhưng để kết nối được giữa doanh nghiệp sản xuất với người tiêu dùng thì vai trò của công tác xúc tiến thương mại rất quan trọng. Do đó, mong muốn các sở, ngành tích cực triển khai các hoạt đông, làm "cầu nối" cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hơn nữa.
Có thể thấy, điểm nhấn của hội chợ là kết hợp giữa thương mại, du lịch và văn hóa. Điều này tạo ra một không gian đa dạng và sôi động, giúp du khách không chỉ mua sắm mà còn có cơ hội khám phá thêm về văn hóa và các sản phẩm truyền thống từ các vùng miền khác nhau.
Diệu Anh