Hiệu quả từ công tác xúc tiến thương mại

08/07/2024 11:50 AM

(Chinhphu.vn) - Năm 2024, mặc dù thị trường thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, song công tác xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Hiệu quả từ công tác xúc tiến thương mại- Ảnh 1.

Công tác xúc tiến thương mại được chú trọng đẩy mạnh. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Những tháng đầu năm 2024, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục đạt kết quả tích cực, giúp lĩnh vực xuất, nhập khẩu nửa đầu năm 2024 tăng trưởng cao.

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt những kết quả tích cực.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hà Nội đạt 28,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 11%, nhập khẩu tăng 14,9%.

Có được kết quả đó là nhờ đẩy mạnh khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời, linh hoạt đổi mới, đa dạng hóa các phương thức qua chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Nhờ đó, đã quảng bá được sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Điển hình như: Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố; các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài như: AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group)...

Việc mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như: Tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương…, mà phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số, trong đó thương mại điện tử sẽ là "từ khóa" xuyên suốt trong giai đoạn tới.

Tại các hội chợ này Trung tâm đã xây dựng không gian trưng bày, giới thiệu và trình diễn sản phẩm làng nghề nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm tới du khách cũng như doanh nghiệp, hệ thống phân phối, các nhà nhập khẩu. Với mục đích trên, kết quả đều mang đến cho doanh nghiệp cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND Thành phố giao Trung tâm.

Đáng chú ý, đầu năm 2024, Trung tâm đã tổ chức hội chợ xúc tiến tại Lào, trong đó gần chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã tham gia và được giới thiệu, quảng bá đến nhân dân Lào.

Nhằm hỗ trợ hiệu quả các hoạt động thương mại, ông Nguyễn Ánh Dương cho biết, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này.

Hiệu quả từ công tác xúc tiến thương mại- Ảnh 2.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương quốc tế. Ảnh: VGP/DA

Đặc biệt là tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức hoạt động về xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội...

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo Thành phố Hà Nội để tiếp tục được tổ chức các chương trình hội chợ tương tự để các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các cơ sở, doanh nghiệp được đến tay người tiêu dùng…", ông Nguyễn Ánh Dương nói.

Đồng thời, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình lớn như Đặc sản vùng miền, các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như: Những ngày Hà Nội tại Điện Biên, Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh… Trung tâm mong muốn kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp để quảng bá sản phẩm làng nghề tại các chương trình này.

Trong năm 2024, Hà Nội dự kiến tổ chức 60 sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước, trong đó có từ 8 đến 10 sự kiện tổ chức ở nước ngoài.

Theo chương trình đề ra, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với chủ đề Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Đông Nam Bộ - Kết nối cùng phát triển - "Link to Grow"; tổ chức Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch về các làng nghề Hà Nội kết hợp không gian trình diễn nghề cho các làng nghề truyền thống Hà Nội.

Để làm tốt việc này, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện chương trình căn cứ quy định pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; một việc - một đầu mối xuyên suốt, xây dựng phong cách làm việc theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp.

Chú trọng khai thác, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Diệu Anh

Top