Mở rộng xúc tiến thương mại Thủ đô: Tăng cả về chất và lượng

04/04/2024 4:16 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm nâng cao cả về chất và lượng của công tác xúc tiến thương mại, trong năm 2024, TP. Hà Nội sẽ đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ…

Mở rộng xúc tiến thương mại Thủ đô: Tăng cả về chất và lượng- Ảnh 1.

Quảng bá sản phẩm Việt tới đối tác thông qua các hội chợ thương mại. Ảnh: VGP/HN

Những năm qua, nhờ sự đóng góp tích cực của các hoạt động xúc tiến thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mục tiêu nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đóng trên địa bàn Hà Nội cũng đã có cơ hội được tham gia các chương trình kết nối xúc tiến thương mại; tham gia các đoàn học tập, trao đổi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực của Hà Nội nói riêng tại nước ngoài.

Đơn cử, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường (DACE) được xem là đơn vị tiên phong xuất khẩu. doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm gia vị, gia vị hữu cơ từ gừng, nghệ, quế, hồi, tỏi, ớt, sả.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc DACE cho biết, hiện, sản phẩm của DACE đã được xuất khẩu sang Mỹ, một số nước châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tổng sản lượng hằng năm đạt khoảng 300 tấn quế khô, 200 tấn hồi khô, 500 tấn gừng tươi, 100 tấn nghệ khô và 200 tấn ớt chỉ thiên tươi..

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn mang tính bề nổi trong quá trình đưa hàng Việt thâm nhập thị trường thế giới.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Lê Anh Tuấn chia sẻ, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp trong việc sản xuất hạt điều xuất khẩu là sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ châu Phi. Thế nhưng việc tìm kiếm đối tác cung ứng lại không dễ dàng, nguyên nhân bởi hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường châu Phi chủ yếu là hội thảo, triển lãm nên doanh nghiệp khó tìm được nhà cung ứng.

Bên cạnh đó, hiện nhiều doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu chưa chủ động trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, thẩm định đối tác. Đồng thời ngại phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch cũng như tham gia triển khai hoạt động xúc tiến đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường Việt Nam đã ký kết các FTA…

Mở rộng xúc tiến thương mại Thủ đô: Tăng cả về chất và lượng- Ảnh 2.

Doanh nghiệp Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới đối tác thông qua các hội chợ thương mại. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA), thời gian qua, Trung tâm cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác thông qua các chương trình Tuần hàng, Festival; quảng bá, xúc tiến phục hồi du lịch thông qua Lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực…; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với các tổ chức, đối tác quốc tế; thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đến nay, Trung tâm đã trở thành đầu mối giao thương, kết nối trực tuyến với doanh nghiệp Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Anh, Singapore, Ấn Độ, Maroc… trong lĩnh vực nông sản, giày dép, dệt may.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai với đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do.

Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững…

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý còn đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tự thân vận động để giành cơ hội giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội; xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách chuyên nghiệp…

Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương khẳng định, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố trong công tác xúc tiến; tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chú trọng đổi mới. Xây dựng kế hoạch, tổ chức, tham gia, phối hợp tổ chức thành công, có hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội năm 2024; liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, cơ quan xúc tiến trong và ngoài nước để tổ chức, phối hợp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động gắn kết khác.

Đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; tập trung vào các thị trường, quốc gia trọng điểm, các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vận dụng linh hoạt các chính sách, từng bước xây dựng môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng; mở rộng, phát triển thị trường phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp; tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, tuần hàng… tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài…

Diệu Anh

Top