Chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút vốn FDI

27/02/2024 3:55 PM

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2024, TP. Hà Nội tích cực đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Đồng thời, chú trọng, tăng cường thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

Chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút vốn FDI- Ảnh 1.

Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được tổ chức mở ra nhiều cơ hội kết nối mới. Ảnh: VGP/Bích Phương

Mở ra nhiều cơ hội kết nối

Thời gian qua, Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp...

Đồng thời, ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thành phố.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND Thành phố, Hà Nội đã và đang đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức thực hiện; mở rộng hợp tác xúc tiến đầu tư với tỉnh, thành phố trong các Vùng kinh tế trọng điểm, mọi Vùng miền, khu vực trên cả nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư…

Cùng với đó, đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là trong khảo sát, xúc tiến, kết nối doanh nghiệp; Liên kết các hãng hàng không, hãng lữ hành quốc tế lớn, tổ chức xúc tiến các nước thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội tại chỗ và các thị trường trọng điểm quốc tế…

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, mở ra cơ hội kết nối mới cho doanh nghiệp Hà Nội và các đối tác quốc tế tiềm năng.

Điển hình, vào tháng 8/2023, TP. Hà Nội tổ chức đoàn xúc tiến thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, xuất khẩu hàng hóa tại Pháp. Thông qua hoạt động này, doanh nghiệp Hà Nội đã giới thiệu sản phẩm, quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch; giao thương, kết nối qua đó đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Pháp và EU.

Đánh giá những lợi ích mà hoạt động xúc tiến của TP. Hà Nội mang lại cho doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng, một số chương trình xúc tiến của Hà Nội đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối với các địa phương.

Thông qua hoạt động xúc tiến, Hà Nội không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp Thủ đô mà còn hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nêu ví dụ như tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố; các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group)...

"Nhờ đó, TP. Hà Nội giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu... góp phần giảm bớt khó khăn", ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút vốn FDI- Ảnh 2.

Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, gắn kết du lịch địa phương của Hà Nội. Ảnh: VGP/Bích Phương

Cần tiên phong triển khai các phương thức xúc tiến hiện đại

Mặc dù đạt được nhiều kết quả hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình triển khai những hoạt động này chưa đồng đều; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn thiếu các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế có tính chất định kỳ, thường niên.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hoạt động xúc tiến do nhiều đơn vị thực hiện dẫn đến dàn trải, chưa đi vào chiều sâu nên việc kết nối, cung cấp thông tin, hỗ trợ các DN, nhà đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến còn hạn chế, bởi trên địa bàn TP. Hà Nội chưa có trung tâm hội chợ, triển lãm có quy mô lớn dẫn đến việc tổ chức hội chợ tầm cỡ quốc tế gặp nhiều khó khăn, thiếu không gian giới thiệu sản phẩm Hà Nội.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập này, trong năm 2024, TP. Hà Nội đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa. Bên cạnh đó, tập trung vào các thị trường, quốc gia trọng điểm, tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của TP. Hà Nội. Chú trọng, tăng cường thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, TP. Hà Nội cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.

Dưới góc độ cơ quan chuyên trách tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú đề xuất thời gian tới TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và phát huy vai trò là trung tâm kết nối của vùng, tiên phong triển khai các phương thức xúc tiến hiện đại. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại…

Bích Phương

Top