Một năm 'bứt phá' với nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn

01/01/2025 2:18 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2024, ngành Du lịch Hà Nội đã có "bước nhảy vọt" đáng kể. Tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023. Sự tăng trưởng này không chỉ là động lực mới cho nền kinh tế mà còn góp phần khẳng định sức hấp dẫn của những sản phẩm du lịch mới, đầy tiềm năng của Thủ đô.

Một năm 'bứt phá' với nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn- Ảnh 1.

Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2024 thu hút 20.000 người, định vị thương hiệu du lịch Thủ đô. Ảnh: VGP/Minh Anh

Một năm ấn tượng với sự ra mắt của nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn

Trong năm 2024, ngành du lịch Hà Nội có nhiều hoạt động nổi bật tạo điểm nhấn đáng kể trong phát triển du lịch của Thủ đô. Một trong những hoạt động đó là triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: Sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn; Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử; Phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như: nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn; trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…

Bên cạnh đó, mô hình phát triển kinh tế ban đêm cũng được quan tâm chú trọng phát triển. Sở Du lịch đã ban hành Kế hoạch về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều sản phẩm tour du lịch đêm đã được đưa vào hoạt động và thu hút được được đông đảo sự tham gia và đánh giá cao của du khách như: Tour du lịch Đêm Thiêng Liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò; Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long"; Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học"...; phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Không gian văn hóa sáng tạo - phố đi bộ Trịnh Công Sơn… Kể từ khi đi vào hoạt động, các tuyến phố đi bộ này đã thu hút được sự quan tâm tham gia của đông đảo nhân dân và du khách nhất là vào những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn hay có sự kiện quan trọng.

Một năm 'bứt phá' với nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn- Ảnh 2.

Khai trương sản phẩm du lịch "Đêm Trúc Bạch" và Tuyến tàu điện số 6 tại Đảo Ngọc Ngũ Xã, quận Ba Đình. Ảnh: VGP/Minh Anh

Mới đây nhất, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Ba Đình tổ chức khai trương sản phẩm du lịch "Đêm Trúc Bạch" và Tuyến tàu điện số 6 tại không gian Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phường Trúc Bạch đã càng khẳng định nỗ lực và vai trò của thành phố Hà Nội trong việc tập trung phát triển kinh tế đêm thông qua các sản phẩm du lịch, nhằm khai thác tiềm năng của Thủ đô một cách toàn diện và bền vững.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết, điểm nhấn của "Đêm Trúc Bạch" là tái hiện lại khung cảnh bao cấp Hà Nội xưa, toàn bộ khu vực sự kiện được biến thành một "Công viên chủ đề văn hóa" tái hiện và trải nghiệm đời sống hàng ngày của người dân trong giai đoạn này. Đến với sự kiện, du khách được tìm hiểu sâu sắc hơn văn hóa và lịch sử đặc trưng của Hà Nội trong thời kỳ bao cấp thông qua các hoạt động hấp dẫn, độc đáo.

"Khách du lịch khắp nơi đã đổ về khu phố đi bộ đảo Ngọc - Ngũ Xã để khám phá các hoạt động trong chương trình quảng bá du lịch đêm với chủ đề "Đêm Trúc Bạch". Tại đây, khách tham quan được sống lại với không gian, các món ăn của thời bao cấp. Ban Tổ chức chúng tôi mong muốn các sản phẩm văn hóa đêm của Hà Nội trong đó có "Đêm Trúc Bạch" không chỉ thu hút người dân địa phương mà còn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách quốc tế, trở thành lý do khiến nhiều người mong muốn quay lại Hà Nội…", Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình chia sẻ.

Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo, thời gian qua, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã có những bước chuyển mình, dần trở thành một không gian văn hóa sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú như các chương trình giáo dục di sản, các cuộc triển lãm, trưng bày... Mới đây, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức ra mắt chương trình trải nghiệm đêm với chủ đề "Tinh hoa đạo học" thú vị, độc đáo.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu khẳng định, chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra mắt du khách và người dân Thủ đô với mong muốn mang đến cho khách tham quan một diện mạo mới, trải nghiệm mới hoàn toàn của khu di tích, tạo nên những cảm xúc khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá vào ban ngày.

"Trải nghiệm đêm Văn Miếu là sự "đối thoại" giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và công nghệ. Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của du khách và người dân để không ngừng cải thiện sản phẩm, đem đến những trải nghiệm tốt hơn trong tương lai, góp phần làm phong phú cho hoạt động du lịch Hà Nội", ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Một năm 'bứt phá' với nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn- Ảnh 3.

Du khách tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: VGP/Minh Anh

Phấn đấu thu hút trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2025

Với sự đa dạng và độc đáo của các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn nêu trên, Hà Nội không chỉ khơi dậy niềm tự hào trong lòng người dân, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế. Đây chính là động lực quan trọng để ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô tiếp tục vươn xa, hòa nhịp cùng sự phát triển sôi động của khu vực và thế giới.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã tham mưu các nội dung liên quan đến 4 khu vực du lịch tiềm năng để phát triển hình thành khu du lịch quốc gia tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổ chức xây dựng và công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội" gắn với hành trình tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động của đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh) - làng nghề nón Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa), làng nghề dệt (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức); tổ chức công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội với chủ đề "Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ" gắn với tìm hiểu văn hóa bản đại và nghề làm thuốc Nam của người Dao Quần Chẹt Ba Vì.

Sở cũng đã ban hành các kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch như: Kế hoạch về việc xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội tới phía tây Thành phố; Kế hoạch về xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội" tại các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên năm 2024; Kế hoạch về triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Thực hiện khảo sát để đánh giá lựa chọn điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ), xã Cộng Hòa, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa)…

Nhận định, việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của HĐND Thành phố, các kế hoạch phát triển ngành Du lịch của UBND Thành phố đã giúp cho hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 phát triển và đạt được những kết quả khả quan, góp phần chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục có sự phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu phát triển của ngành đều có mức tăng trưởng cao, vượt các mục tiêu, kế hoạch đề ra, khách du lịch quốc tế với mức tăng ấn tượng. Tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023, khách quốc tế đến HN ước đạt 6,35 triệu lượt, tăng mạnh 34,4% so với năm 2023, chiếm tỉ trọng tương đương mức 36,3% của cả nước; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.

Một năm 'bứt phá' với nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn- Ảnh 4.

Lễ hội Áo dài 2024 là một trong những sự kiện quảng bá thành công của du lịch Hà Nội trong năm 2024.Ảnh: VGP/Minh Anh

Hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn (đặc biệt là khách sạn 4-5 sao), dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tiếp tục đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

Việc tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình xúc tiến du lịch cũng được đổi mới, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp và du khách. Các sự kiện được tổ chức với quy mô lớn, chuyên nghiệp, thường niên, theo chuỗi từ đầu năm đến cuối năm với nhiều hoạt động, nội dung đặc sắc, hấp dẫn, ứng dụng nhiều công nghệ mới như 3D, Mapping, Drone.

Bên cạnh đó, công tác công tác truyền thông quảng bá cũng được chú trọng, các doanh nghiệp du lịch đã chủ động liên kết với các đơn vị truyền thông, các hãng hàng không để quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các sản phẩm marketing chuyên nghiệp quảng bá trên các nền tảng truyền thông số.

Tự tin với bước bứt phá, nhảy vọt mà ngành Du lịch đạt được trong năm qua, năm 2025, Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 phấn đấu thu hút được trên 30 triệu lượt khách, tăng 7,7% so với ước thực hiện năm 2024, với trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 10,3%, tương được mức đạt được của năm 2019 và 23 triệu lượt khách nội địa, tăng 7%; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 17,6%.

Để đạt được mục tiêu đó, ngoài duy trì giải pháp và phát huy những giá trị đã đạt được, Sở Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND Thành phố các giải pháp và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô tại Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ chức điều tra, nghiên cứu, đánh giá thị trường khách du lịch (nội địa và quốc tế), chỉ tiêu về mức chi tiêu của khách du lịch, chỉ tiêu về đóng góp của ngành Du lịch đối với kinh tế Thủ đô phục vụ công tác đầu tư, xây dựng và phát triển dịch vụ, sản phẩm, cơ sở hạ tầng du lịch chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Tổ chức điều tra, cập nhật hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Du lịch Thủ đô (dữ liệu về hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch,...).

Tăng cường công tác quản lý điểm đến gắn với triển khai kế hoạch nâng cấp điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố. Triển khai điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch trên địa bàn Thành phố theo Phương án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tổ chức các cuộc hội nghị, tọa đàm chuyên đề với các nội dung trọng tâm như: xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, truyền thông, quảng bá, nhân lực... nhằm đưa ra các giải pháp có cơ sở để chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia phát triển du lịch.

Triển khai Kế hoạch nâng cấp phát triển tuyến du lịch đường thủy dọc khu vực sông Hồng (tuyến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Thường Tín - Hưng Yên và phát triển tuyến mới); Đề án phát triển điểm đến du lịch Bảo tàng Bia Hà Nội.

"Sở cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án sáng tạo và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, đặc trưng của Thủ đô", Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ.

Năm 2024, Thủ đô Hà Nội đã đón 27,86 triệu lượt khách ghé thăm, trong đó có 6,35 triệu lượt khách quốc tế - chiếm hơn 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Doanh thu từ du lịch đạt 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18,3% so với năm trước, minh chứng cho sức hút không ngừng của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Minh Anh

Top