Đổi mới nhờ kết hợp giữa phát triển làng nghề gắn với du lịch văn hóa
(Chinhphu.vn) - Thường Tín, một huyện nằm ở phía Nam Hà Nội, giàu truyền thống khoa bảng cũng là vùng đất trăm nghề, nơi tiếp nhận, giữ gìn và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ được biết đến với truyền thống làng nghề và di sản văn hóa phong phú, Thường Tín đang từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Giữ gìn bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa
Lúc sinh thời danh nhân Cao Bá Quát (1809 - 1855), được người đương thời tôn là bậc "thánh", gọi Thường Tín là đất "danh hương". Thường Tín được biết là miền quê của những làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, mộc cao cấp Vạn Điểm... Những làng nghề này không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương.
Đặc biệt, Thường Tín còn sở hữu nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp thành phố). Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Chùa Đậu; đền, bến Chương Dương; nhà thờ Nguyễn Trãi… tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú cho vùng đất này.
Trải qua hành trình 40 năm đổi mới cùng đất nước, kinh tế - xã hội của Thường Tín đã đạt những thành tựu đáng tự hào, trong đó, Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn xác định văn hóa là nền tảng, là động lực, mục tiêu của phát triển, "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Thường Tín đã ban hành Chương trình số 02-CTr/HU, ngày 22/8/2020 về "Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử huyện Thường Tín giai đoạn 2020-2025" và Chương trình số 04-CTr/HU, ngày 22/8/2020 về "Phát triển văn hóa - xã hội trên nền tảng văn hiến truyền thống; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2020 - 2025"…
Từ những chủ trương này đã giúp huyện bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là nguồn lực để huyện phát triển công nghiệp văn hóa đúng như Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội "Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Đến nay, Thường Tín đã triển khai nhiều dự án xây dựng và nâng cấp các công trình văn hóa. Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ vốn, đào tạo nghề và xúc tiến thương mại cho các làng nghề truyền thống cũng được đẩy mạnh.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định, với những nỗ lực đầu tư xây dựng, giữ gìn bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Các làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển, sản phẩm ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Các lễ hội văn hóa, chương trình nghệ thuật và sự kiện văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và quảng bá hình ảnh Thường Tín.
Hiện nay, theo thống kê, toàn huyện Thường Tín có 126 làng nghề, trong đó có 50 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Hiện, các sản phẩm làng nghề không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Từ những kết quả trong gìn giữ, khôi phục và phát triển làng nghề. Thường Tín đã có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới kết hợp giữa phát triển làng nghề gắn với du lịch văn hóa kết hợp với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa sôi động và phong phú.
Hấp dẫn với điểm Du lịch Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm
Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm có diện tích 29,89 ha nằm ở trung tâm xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín cách trung tâm huyện khoảng 12km, là nơi có nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua như tuyến đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lội 1A, tỉnh lộ 429 rất thuận tiện cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế cho làng nghề.
Năm 2015, xã Vạn Điểm đạt chuẩn nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020; Năm 2022, xã được công nhận là điểm du lịch của Thành phố.
Điểm du lịch gồm 03 khu với tổng diện tích là 15.82ha, trong đó: Khu 1: Khu trung tâm 1,52 ha bao gồm: Trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa thể thao (Nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đón tiếp các đoàn khách…) theo quy hoạch chi tiết 1/5000; Khu 2: Khu trung tâm sản xuất kết hợp trải nghiệm và trưng bày sản phẩm làng nghề mộc cao cấp, Khu làng nghề truyền thống lâu đời, kết hợp trải nghiệm lưu trú, thăm quan các công đoạn sản xuất của làng nghề.
Tại đây: tập trung các hộ làm nghề kết hợp với các cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm… diện tích 8,2ha); Khu 3: Mua sắm kết hợp dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí và các dịch vụ tiện ích khác diện tích 6,1ha. Tại đây du khách được tham quan làng cổ nghề truyền thống lâu đời, kết hợp trải nghiệm, lưu trú, chiêm bái Đình, Chùa, Nhà truyền thống thờ Tổ nghề và những người có công lớn đối với làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm.
Các điểm tham quan chính của điểm du lịch làng nghề gồm: Khu Làng nghề truyền thống mộc cao cấp Vạn Điểm; Khu văn hóa tâm linh (Đền, Chùa, Miếu - nơi thờ tự những người có công với làng nghề); Khu vui chơi giải trí.
Trong năm qua, điểm Du lịch Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm đã đón nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước đến mua sắm, thăm quan, trải nghiệm, nghiên cứu các sản phẩm độc đáo truyền thống được chế tác sản phẩm từ gỗ tự nhiên, qua đôi bàn tay tài hoa của các thế hệ người dân Vạn Điểm, các sản phẩm ngày càng phong phú, như: Bàn ghế, giường, tủ, đồ thờ, đồ trang trí nội thất bằng gỗ tự nhiên trong các cơ sở tín ngưỡng, nhà thờ và tư gia, các sản phẩm mỹ nghệ, nghệ thuật từ gỗ tự nhiên...
Theo số liệu thống kê, số lượng khách du lịch đến điểm Du lịch Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm từ đầu năm đến nay có khoảng 3.600 lượt khách nội địa; trên 380 lượt khách đến từ Trung Quốc và nhiều nước Châu Á khác…
Mô hình di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn được triển khai đồng bộ và có hiệu quả trên địa bàn xã. Đến nay xã đã và đang hoàn thành xây dựng các tuyến đường giao thông, tu sửa lại các công trình văn hóa - tâm linh, xây dựng mới Đền thờ Đức Thánh bà. Mở rộng trồng, duy tu hệ thống cây xanh toàn tuyến, lắp đặt hệ thống chiếu sáng cảnh quan tại điểm du lịch và trong các khu dân cư, công trình công cộng; chỉnh trang các công trình văn hóa - thể thao.
Hoàn thiện các hạ tầng phục vụ đáp ứng nhu cầu đón tiếp khách du lịch, cảnh quan, không gian sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương, thúc đẩy làng nghề phát triển và kích cầu du lịch; tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ người tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch; Tổ chức phát động và thực hiện tốt hai phong trào lớn là: Xây dựng cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp và xây dựng Người Vạn Điểm văn minh, thân thiện, mến khách. Là điểm du lịch hấp dẫn trong hành trình tour du lịch của Thành phố.
Minh Anh