Mực nước tiếp tục lên, các địa phương tích cực phòng chống thiệt hại thiên tai

23/09/2024 6:41 PM

(Chinhphu.vn) - Do mưa trong những ngày qua đã làm mực nước sông Tích, sông Bùi tiếp tục dâng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như việc phục hồi sản xuất.

Mực nước tiếp tục lên, các địa phương tích cực phòng chống thiệt hại thiên tai- Ảnh 1.

Do mưa trong những ngày qua đã khiến mực nước sông Tích, huyện Quốc Oai tiếp tục dâng lên. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện Quốc Oai cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 kết hợp với mưa lũ, nhất là mưa trong những ngày gần đây đã khiến mực nước sông Tích dâng lên. Vào 6h sáng nay, tại trạm Vĩnh Phúc, mực nước sông Tích là 8,40m trên mức báo động 3 là 0,4m.

Bên cạnh đó, trên địa bàn còn 5 xã có các hộ dân bị gập úng phải sơ tán gồm Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Ngọc Liệp, Hòa Thạch với 239 hộ, 944 nhân khẩu. "Dự tính ngày hôm nay huyện sẽ đưa một số hộ dân về nhà do những ngày trước đó mực nước đã rút, nhưng do mưa kéo dài đã khiến mực nước sông dâng cao trở lại", bà Trang cho biết thêm.

Mưa lũ đã làm 16.597m chiều dài đoạn đê bị ngập; 1.294 hộ bị ngập, 5.496 khẩu bị ảnh hưởng; 568 ha diện tích lúa bị đổ; 304 ha diện tích lúa bị ngập; 74 ha diện tích cây ngô, rau màu bị ngập; 230 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 374 ha diện tích thủy sản bị ngập; 10.322 con gia cầm bị chết, thất lạc; 147.647 con gia cầm bị ảnh hưởng phải di dời...

Để tiếp tục chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt và phục hồi sản xuất khi lũ rút, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, các Tiểu Ban chỉ huy các tuyến đê Tả Tích, Đê Đáy, Hữu Tích, Bán Sơn địa phải tiếp tục trực 24/24h theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, diễn biến thời tiết để thông báo hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh các loại hình thiên tai như: Mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất... có thể xảy ra.

Mực nước tiếp tục lên, các địa phương tích cực phòng chống thiệt hại thiên tai- Ảnh 2.

Do ngập lụt đã làm ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và hoa màu của các địa phương. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Kịp thời đưa tin, chính xác thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai; tiểu ban cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân huyện cung cấp kịp thời hàng hóa thiết yếu cho nhân dân ở các vùng bị ảnh hưởng của lũ, bão ngập úng, thiên tai. Tiểu ban Chống úng và phục hồi sản xuất chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức thực hiện các biện pháp chống úng, phục hồi cây trồng sau mưa bão, ngập úng.

Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương; chủ động bố trí lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời phối hợp với Chi cục Thủy lợi kiểm tra, đánh giá các khu vực trọng điểm, đê điều xung yếu trên địa bàn để có biện pháp gia cố, khắc phục các hư hại (nếu có).

Thống kê, đánh giá các thiệt hại do bão, lũ để đề xuất các biện pháp hỗ trợ nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phục hồi sản xuất và ổn định đời sống như: Tổ chức hướng dẫn khắc phục đất nông nghiệp, tiếp tục thực hiện công tác tổng vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh sau bão, lưu ý các khu vực như tại các nguồn nước, các điểm tồn đọng rác…

Mực nước tiếp tục lên, các địa phương tích cực phòng chống thiệt hại thiên tai- Ảnh 3.

Gia cố hộ đê, đắp đê... rất quan trọng trong việc phòng chống thiên tai. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Còn tại huyện Chương Mỹ, ông Đỗ Hoàng Anh Châu, Phó Trưởng ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện Chương Mỹ cho biết, đến 6h30' sáng nay, mực nước trên sông Bùi là 7,44m (tăng 0,05m so với ngày hôm qua), trên mức báo động 3. Bên cạnh đó, các hồ Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu vẫn trên ngưỡng tràn. Điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nhân dân địa phương.

Mưa lũ đã khiến 3.062m kênh mương bị hư hỏng; 18.570m đoạn đê bị ngập; 150m chiều dài đoạn đê bị sạt lở; 5m cầu cống, đập bị hư hỏng; 39.320m đường giao thông nông thôn bị ngập; 150 m đường giao thông nông thôn bị sạt lở; 3.636.7ha diện tích lúa bị ngập, đổ; 420.4ha cây ngô, rau màu các loại bị ngập; 786 ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng; 459,4 ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng...

Mực nước tiếp tục lên, các địa phương tích cực phòng chống thiệt hại thiên tai- Ảnh 4.

Các lực lượng huyện Chương Mỹ hỗ trợ bà con nhân dân thu hoạch lúa bị ngập úng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Đỗ Hoàng Anh Châu, hiện nay diễn biến thời tiết còn phức tạp, khó lường nên các đơn vị duy trì chế độ trực 24/24h cấp huyện và xã, thị trấn. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê để kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra.

Các xã, thị trấn bên tả Bùi theo dõi mực nước dâng để ứng phó với ngập, lụt theo phương châm "4 tại chỗ" (kê kích tải sản, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, dự trữ lương thực thực phẩm, thuốc men...); bảo đảm an ninh trật tự và công tác cứu trợ đối với các khu vực sơ tán và ngập lụt. Tổ chức cảnh báo nguy hiểm, hạn chế xe trọng tải lớn đi trên các tuyến để xung yếu.

Đối với những khu vực nước rút, tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ nhân dân quay trở về nhà ở đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu và triển khai trồng cây vụ đông xuân 2024-2025; xác minh thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ theo quy định. Sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu nước ra sông Bùi theo chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Thành phố.

Thiện Tâm

Top