Nắm bắt thói quen tiêu dùng để doanh nghiệp Việt làm chủ ‘sân chơi’

17/02/2025 10:19 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện hàng hóa Việt Nam đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu trong mỗi gia đình Việt. Để làm chủ được “sân chơi” của chính mình, các doanh nghiệp đang và sẽ không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt.

Nắm bắt thói quen tiêu dùng để doanh nghiệp Việt làm chủ ‘sân chơi’- Ảnh 1.

Tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 85-90% trong các kênh phân phối. Ảnh: VGP/Bích Phương

Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trong kênh phân phối

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tháng 1/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố ước tính đạt 84,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với tháng trước và 26,4% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 55 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng là 10,6% và 27,4%.

Tháng 1 năm nay trùng với dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Thành ủy và UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt công tác ổn định thị trường, bảo đảm cung cầu cho các mặt hàng thiết yếu. Tại các điểm bán, lượng hàng hóa được tăng cường 30-35%, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, với tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 85-90%.

Đặc biệt, Thành phố đã thiết lập 128 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, kết nối với 926 đầu mối, chuỗi và cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản từ 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc bán hàng đa phương tiện cũng được chú trọng, với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phục vụ người tiêu dùng. Đặc biệt, hơn 3.000 sản phẩm OCOP cùng với với 500 nghìn tấn hàng hóa từ các địa phương đã được giới thiệu và kết nối tiêu thụ tại Hà Nội.

Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90% - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60-90%.

Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà hiện tại hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.

Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị điện máy lớn như Big C, Aeon Mall, Winmart, Pico… đã bám sát các chương trình khuyến mại của các đơn vị như Bộ Công Thương, Sở Công Thương liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm Việt Nam; từ đó góp phần kích cầu tiêu dùng hàng Việt.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, thông qua chương trình khuyến mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa, siêu thị Co.opmart có thêm nhà cung cấp mới, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hàng hóa, nông sản Việt vào hệ thống siêu thị lâu dài, ổn định.

Phó Giám đốc Phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh đánh giá, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa nhanh chóng nắm bắt, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá thành hợp lý, chế độ hậu mãi tốt.

Đổi mới, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt

Để giữ vững và phát triển vị thế hàng Việt, góp phần để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" lan tỏa sâu rộng hơn, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khuyến nghị, doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm;

Nắm bắt thói quen tiêu dùng để doanh nghiệp Việt làm chủ ‘sân chơi’- Ảnh 2.

Các sản phẩm hàng Việt ngày càng thu hút được sự tin yêu của người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Bích Phương

Bên cạnh đó, cần chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng.

Các siêu thị, trung tâm thương mại,…cũng cho rằng, để hàng Việt ngày càng thu hút được sự tin yêu của người tiêu dùng, các sản phẩm hàng hóa đưa vào kinh doanh tại hệ thống bán lẻ luôn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Đại diện siêu thị Hapro cho biết, nông sản, thực phẩm phải đạt độ tươi phù hợp, được chuyển đến siêu thị trong vòng 8-36 giờ kể từ thời điểm thu hái, đánh bắt, và phải được bảo quản trong điều kiện tối ưu…

Hapro cũng thành lập tổ kiểm tra an toàn thực phẩm để thường xuyên kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập chặt chẽ; bảo đảm sản phẩm hàng hóa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đạt quy chuẩn an toàn thực phẩm.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định,Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc mà còn là nền tảng để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm trong nước. Với những bước tiến vững chắc, hàng Việt đang ngày càng khẳng định vị thế, sẵn sàng đồng hành cùng đất nước trong hành trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong thực tế, Ban Chỉ đạo cuộc vận động TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp về ý nghĩa của cuộc vận động; phát huy vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, kết nối, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích, cần đẩy mạnh thông tin tiếp thị, quảng bá thương hiệu, kết nối phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, đáp ứng niềm tin của người tiêu dùng.

Bích Phương

Top