Nâng cao chất lượng, cảnh quan đô thị của các công viên trên địa bàn Thủ đô

13/03/2023 5:31 PM

(Chinhphu.vn) - Công viên đóng vai trò đa chức năng trong đời sống đô thị. Là cầu nối và cũng chính là không gian công cộng, nơi kết nối và phản ánh đời sống, văn hóa của đô thị. Chính vì vậy, rất cần thiết phải nâng cao chất lượng, cảnh quan đô thị của các công viên trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Nâng cao chất lượng, cảnh quan đô thị của các công viên trên địa bàn Thủ đô - Ảnh 1.

Hà Nội hiện có hàng trăm công viên, vườn hoa, là nơi vui chơi giải trí, tham quan cho người dân, du khách. Ảnh: Thùy Chi

Một số hạng mục xuống cấp sau thời gian dài sử dụng

Hà Nội hiện có hàng trăm công viên, vườn hoa, là nơi vui chơi giải trí, tham quan cho người dân, du khách. Phần lớn các công viên, vườn hoa, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội đô lịch sử, hình thành đã lâu. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân, tại nhiều công viên, vườn hoa trên địa bàn TP. Hà Nội đã xuống cấp, hư hỏng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 63 công viên, vườn hoa. Các công viên, vườn hoa này hình thành đã lâu, chủ yếu phục vụ công ích và do UBND các quận quản lý. Do hình thành đã lâu nên diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng... tại nhiều công viên, vườn hoa bị xuống cấp, lạc hậu, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích trong công viên còn manh mún, tự phát, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngoại trừ công viên nước Hồ Tây, các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP. Hà Nội chủ yếu phục vụ công ích. Về chất lượng, hệ thống cây bóng mát tại các công viên, vườn hoa đã phát triển ổn định, chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, do hình thành từ lâu nên diện mạo kiến trúc, cảnh quan, thảm cỏ, cây hoa, đường dạo, chiếu sáng, vật kiến trúc... đã bị xuống cấp, thiếu đồng bộ.

Tại quận Hoàng Mai, công viên Bắc Linh Đàm có nhiều hạng mục như đường dạo bị bong tróc, gạch đá gồ ghề; hệ thống chiếu sáng thiếu, hỏng. Ghế đá cũ kỹ, cây xanh, thảm cỏ lâu ngày không được cắt tỉa, có nhiều cây bị chết nhưng không được trồng thay thế.

Tại quận Đống Đa, công viên hồ Ba Mẫu, công viên Văn hóa Đống Đa, vườn hoa Đại học Thủy lợi, vườn hoa Đào Duy Anh…, cũng nhận được phản ánh dù nhiều cây hoa, cây khóm, bụi, thảm cỏ cũng được cắt tỉa, chăm sóc, song chưa đa dạng về chủng loại, sắc màu còn đơn giản, hoa không đồng đều các mùa trong năm.

Công viên hồ điều hòa Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) mới được đưa vào sử dụng mấy năm nhưng đã xuống cấp. Nhiều đoạn đường trong công viên bị sụt lún, nước đọng thành ao…

Giai đoạn 2018-2020, UBND thành phố Hà Nội đã giao UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình đầu tư cải tạo, nâng cấp một số công viên, vườn hoa bằng nguồn kinh phí của quận. Nhiều công trình đã hoàn thành, có diện mạo cảnh quan đẹp, hiện đại, khang trang... tạo điểm nhấn cho khu vực.

Điển hình, là khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, sau khi chỉnh trang, không gian dành cho sinh hoạt của cộng đồng được chú trọng nhiều hơn. Thảm xanh, thảm hoa mạch lạc, không làm mất đi không gian xanh quen thuộc ở hồ Hoàn Kiếm. Diện mạo hồ Hoàn Kiếm hoàn toàn đổi khác, đẹp, sạch hơn, được người dân, giới chuyên môn đánh giá cao.

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, giai đoạn 2019-2020, UBND quận đã hoàn thành cải tạo 3 vườn hoa: Tây Sơn, Mê Linh và vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Các vườn hoa sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã nhận được sự hưởng ứng của người dân trên địa bàn, cũng như người dân Thủ đô, góp phần nâng tầm cảnh quan khu vực, đồng thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của nhân dân, du khách ngày một tốt hơn.

Tập trung nâng cấp, tạo diện mạo mới khang trang cho công viên

Trước thực trạng trên, để kịp thời có những giải pháp, UBND thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp để duy trì, nâng tầm cảnh quan, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi của nhân dân. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã rà soát công viên, vườn hoa cải tạo, nâng cấp. Trên cơ sở tổng số 63 công viên, vườn hoa hiện có, sau khi rà soát, có 45 công viên, vườn hoa (khoảng 70%) cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa theo mức độ khác nhau để duy trì ổn định cảnh quan, đồng bộ phục vụ Nhân dân, trong đó, có 13 công viên và 32 vườn hoa.

Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, UBND các quận, huyện và các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, khắc phục tình trạng xuống cấp của các công viên, vườn hoa và đầu tư xây mới để tạo thêm nhiều cảnh quan có môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội sẽ tăng cường kêu gọi đầu tư các công viên còn lại thuộc danh mục xây dựng mới theo quy hoạch cây xanh.

Về kế hoạch hoàn thành 6 công viên mới giai đoạn 2021-2025, các sở, ngành, chính quyền địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ và chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, tập trung phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công viên Chu Văn An (dự án 2 - công trình kiến trúc), công viên CV1, công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên Văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang, công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

UBND TP. Hà Nội giao các Sở, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung thì gửi đề xuất đến Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND TP. Hà Nội quyết định.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội đã cấp kinh phí để cải tạo, sửa chữa, chống xuống cấp cho một số công viên, vườn hoa. Sau khi được cải tạo, nâng cấp, đưa vào sử dụng, nhiều vườn hoa công viên đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Việc  này góp phần nâng tầm cảnh quan khu vực, cũng như phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí của nhân dân và du khách ngày một tốt hơn.

Thông tin về kết quả triển khai cải tạo, sửa chữa công viên đến thời điểm này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các quận đã ban hành kế hoạch và thực hiện các bước đầu tư xây dựng... Đến nay, Vườn hoa Diên Hồng (quận Hoàn Kiếm) đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp. Vườn hoa Trúc Bạch (quận Ba Đình) đã hoàn thành cải tạo 3/5 điểm thuộc phường Ngũ Xã phục vụ phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã.

Tại Vườn hoa Diên Hồng (còn gọi là Vườn hoa Con cóc), đài phun nước bị rò rỉ, thường xuyên ngấm chảy nước lênh láng đã được khắc phục. Gạch lát bị vỡ, bong tróc trên đường dạo được lát mới bằng đá granit bền đẹp; cùng với đó là hệ thống gờ đá như các ghế nghỉ chân, đem lại tiện ích thiết thực cho người dân khi đến vui chơi. Hệ thống thảm hoa, thảm cỏ cũng được trồng mới với cách bài trí đẹp mắt...

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trong năm 2023 các quận sẽ cải tạo nhiều công viên, vườn hoa, như: Cổ Tân, Bác Cổ, 19-8, Tao Đàn (Hoàn Kiếm); Pasteur, Vườn hoa hồ Thiền Quang (Hai Bà Trưng); Lý Tự Trọng (Tây Hồ); Ngọc Lâm (Long Biên); Công viên Bắc Linh Đàm, Đền Lừ (Hoàng Mai)...; đồng thời tiếp tục nghiên cứu triển khai cải tạo các công viên, vườn hoa còn lại.

Với 3 công viên thuộc sự quản lý của thành phố là Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo cũng nằm trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp tổng thể trong giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng đang phối hợp với các sở, ngành xác định tài sản phục vụ công cộng và tài sản thành phố giao cho các doanh nghiệp quản lý khai thác. Trên cơ sở đó, Sở đề xuất thành phố triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cũng như đặt hàng, đấu thầu duy tu, duy trì theo quy định.

Để các không gian công cộng là nơi kết nối cộng đồng, không chỉ là các tuyến phố đi bộ, các quảng trường với cây xanh, các công viên vườn hoa nên được màu sắc hóa, để thành điểm đến cho du khách và là chỗ vui chơi cho mọi gia đình, trẻ em. Các chuyên gia quy hoạch đô thị và phát triển đô thị trên thế giới đã vạch rõ, không gian công cộng được coi là chìa khóa để xây dựng ý thức cộng đồng. Là nơi tạo nên bản sắc và văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời gắn kết dân cư, phát triển nền kinh tế đô thị, phát triển văn hóa, xã hội.

Thùy Chi

Top